Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 36/2020

Thứ hai, 14/9/2020 | 09:12 GMT+7
Để góp phần thúc đẩy việc lắp đặt các hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) trong thời gian tới, góp phần tạo dựng thị trường ĐMTMN tại Việt Nam với tiêu chuẩn chất lượng và hiệu suất cao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa vào hoạt động nền tảng EVNSOLAR.

Góp phần phát triển điện mặt trời mái nhà với nền tảng EVNSOLAR

Trong thời gian qua, các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ trong đó có điện mặt trời nói chung và ĐMTMN nói riêng đã tạo sự phát triển nhanh chóng của các dự án ĐMTMN. Đến đầu tháng 9/2020, cả nước có tổng cộng gần 50.000 hệ thống ĐMTMN với tổng công suất gần 1.200 MWp được lắp đặt và đưa vào vận hành. Tiềm năng phát triển ĐMTMN ở nước ta được đánh giá còn rất lớn. Ngoài số lượng hàng triệu mái nhà của các hộ gia đình thì mái nhà của các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, các trung tâm thương mại, nhà xưởng trong các khu công nghiệp... là những nơi có thể lắp đặt các hệ thống ĐMTMN trong thời gian tới.

Để góp phần thúc đẩy việc lắp đặt các hệ thống ĐMTMN trong thời gian tới, tạo dựng thị trường ĐMTMN tại Việt Nam với tiêu chuẩn chất lượng và hiệu suất cao, EVN đưa vào hoạt động nền tảng ĐMTMN với tên gọi EVNSOLAR.

Giao diện của nền tảng EVNSOLAR

Nền tảng EVNSOLAR bước đầu được xây dựng trên trang web có địa chỉ http://solar.evn.com.vn cung cấp giải pháp toàn diện cho các chủ đầu tư là hộ gia đình, là doanh nghiệp có mái nhà, có nhu cầu phát triển dự án ĐMTMN. Với nền tảng này, những khách hàng có nhu cầu lắp đặt ĐMTMN dễ dàng kết nối với nhà thầu lắp đặt uy tín có giá thành hợp lý, với các ngân hàng, tổ chức tài chính cung cấp các giải pháp hỗ trợ tín dụng cho việc đầu tư lắp đặt ĐMTMN.

Các nhà thầu cung cấp dịch vụ ĐMTMN tham gia vào nền tảng EVNSOLAR phải cam kết chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Với mỗi dự án ĐMTMN sau khi hoàn thành, nhà thầu sẽ hoàn thiện bộ hồ sơ hoàn công chi tiết (Solar Quality Passport) dựa trên mẫu hồ sơ theo tiêu chuẩn đánh giá của CHLB Đức. Thông qua bộ hồ sơ này, chủ đầu tư ĐMTMN có thể đánh giá được chất lượng của dự án đã hoàn thành.Ngoài ra, sau khi hoàn thành dự án, mỗi chủ đầu tư sẽ được cấp tài khoản để có thể phản hồi và đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của nhà thầu trên nền tảng.

EVNSOLAR sẽ cung cấp giải pháp toàn diện cho các chủ đầu tư là hộ gia đình, là doanh nghiệp có mái nhà, có nhu cầu phát triển dự án ĐMTMN

Những thông tin chia sẻ kinh nghiệm phát triển ĐMTMN, khả năng tìm kiếm nhà thầu thông minh, chức năng nhận báo giá từ nhiều nhà thầu, chức năng đánh giá nhà thầu sau khi dự án hoàn thànhlà những yếu tố quan trọng, giúp cho những người có nhu cầu lắp đặt ĐMTMN dễ tìm kiếm, tham khảo và quyết định.

Trong thời gian tới, nền tảng EVNSOLAR còn tiếp tục được phát triển trên các ứng dụng di động; các công cụ, tiện ích, công nghệ sẽ tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện giúp kết nối, tương tác nhiều giữa những người sử dụng.

Với việc đưa vào hoạt động và phát triển nền tảng EVNSOLAR, EVN một lần nữa khẳng định luôn hỗ trợ, đồng hành và tạo điều kiện tối đa cho phát triển năng lượng tái tạo nói chung và ĐMTMN nói riêng, góp phần bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích cho xã hội theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.

Đảm bảo tiến độ dự án Nhà máy điện gió Thái Hoà (Bình Thuận)

Sau gần 2 tháng động thổ xây dựng, hiện nhiều hạng mục của dự án Nhà máy Điện gió Thái Hòa (Bình Thuận) đang được nhà thầu đảm bảo tiến độ đề ra.

Dự án Nhà máy điện gió Thái Hòa đặt tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Dự án có công suất 90MW gồm 13km đường giao thông, 18 trụ tuabin gió, 7km tuyến đường dây 220kV, khu điều hành - trạm điện cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Nhà máy được xây dựng trên diện tích hơn 1.000 hecta.

Theo kế hoạch, Nhà máy điện gió Thái Hòa sẽ đi vào vận hành thương mại từ tháng 7/2021. Khi đi vào hoạt động, dự kiến dự án sẽ đóng góp khoảng 255 triệu kWh/năm, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của tỉnh Bình Thuận, tăng tỷ trọng điện gió trong hệ thống, góp phần ổn định việc cung cấp điện cho nền kinh tế, phát triển kinh tế vùng và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Công tác thi công tại dự án Nhà máy điện gió Thái Hoà

Công ty CP FECON được chủ đầu tư là Tập đoàn Thái Bình Dương (PACIFIC) giao toàn bộ công việc của gói thầu số II.B01 dự án Nhà máy điện gió Thái Hòa. Gói thầu II.B01 gồm thi công hạ tầng và các công trình xây dựng của dự án có tổng trị giá gần 260 tỷ đồng, được thực hiện trong thời gian 300 ngày bao gồm các hạng mục thiết kế bản vẽ thi công, thi công xây dựng móng trụ tuabin gió, thi công xây dựng toàn bộ hệ thống đường giao thông và các hạng mục xây dựng phụ trợ khác của dự án.

Theo đại diện FECON, đây là một trong những dự án trọng điểm của công ty trong năm 2020. Ngay sau khi trúng thầu, FECON đã tập trung nguồn nhân lực, vật lực để đáp ứng tiến độ và đảm bảo chất lượng dự án. 

Hiện nay, FECON đã hoàn thiện hồ sơ thiết kế, đang triển khai thi công hạ tầng các tuyến 1, 2, 3 và các công tác chuẩn bị cho việc đổ trụ móng tuabin. Theo đó, sau gần 2 tháng triển khai, FECON đã thi công được 10km/13km đường của tổng dự án; thi công được 0,6km đường đầu tiên từ tỉnh lộ ĐT716 dẫn vào dự án. Dự kiến, trụ tuabin đầu tiên WTG-18 sẽ được đổ móng vào khoảng tuần 3 của tháng 10/2020.

Tại buổi làm việc, kiểm tra tiến độ dự án mới đây, ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT PACIFIC – chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Thái Hòa đánh giá cao công tác quản lý thực hiện công việc của các nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát.

Đắk Nông phát triển 6 dự án điện gió với tổng công suất 430 MW

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông vừa có tờ trình bổ sung các dự án cần thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2020, trong đó có 6 dự án điện gió ở huyện Đắk Song.

6 dự án điện gió này đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch điện VII theo công văn số 795/TTg-CN ngày 25/6/2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc bổ sung danh mục các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực. Tổng công suất 6 dự án điện gió được bổ sung quy hoạch tại tỉnh Đắk Nông là 430 MW. Cụ thể là dự án điện gió Đắk N’drung 1,2,3; Asia Đắk Song 1; Nam Bình 1 và dự án điện gió Đắk Hòa. Khi triển khai, các dự án cần thu hồi hơn 250 ha đất.

Trước đó, hồi tháng 6 năm nay, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Lê Diễn cho biết, năm 2019, Đắk Nông đã có sự tăng trưởng tốt. Lãnh đạo tỉnh luôn xác định, nền kinh tế của Đắk Nông có phát triển đột biến hay không là do sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp và năng lượng. Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông khẳng định, để Đắk Nông phát triển được lĩnh vực công nghiệp và năng lượng cần sự ủng hộ, tạo điều kiện rất lớn từ phía Bộ Công Thương.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn thông tin thêm, Đắk Nông là tỉnh có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió và điện mặt trời nhưng đến nay mới chỉ có 2 dự án điện mặt trời với công suất 106,4MWp được vận hành và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

PV