Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 36/2022

Thứ hai, 19/9/2022 | 08:00 GMT+7
Việt Nam tham gia sáng kiến tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch cùng với Singapore và Brunei.

Việt Nam tham gia sáng kiến tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch

Theo thông tin từ Vụ Thương mại và chính sách đa niên, Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Công Thương Singapore Gan Kim Yong và Bộ trưởng thứ hai của Bộ Tài chính và Kinh tế Brunei Dato Amin Liew bên lề Hội nghị Bộ trưởng khuôn khổ Đối tác kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) diễn ra ngày 8 - 9/9 tại Hoa Kỳ.

Tại phiên họp, các Bộ trưởng đã tập trung thảo luận về sáng kiến tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch. Đây là sáng kiến do ba nước cùng đề xuất, nhằm mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi năng lượng hướng tới nền kinh tế carbon thấp trong khu vực, đẩy mạnh an ninh năng lượng, cũng như triển khai các hoạt động hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, nghiên cứu và phát triển. 

Các hoạt động chính của sáng kiến bao gồm: đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo; xây dựng hệ thống kết nối lưới điện giữa các nước trong khu vực và phát triển mạng lưới các trung tâm nghiên cứu về năng lượng.

Ba Bộ trưởng nhất trí thúc đẩy định hình và hoàn thiện sáng kiến này để có thể khởi động vào khoảng đầu năm 2023. Bên cạnh hợp tác chung giữa ba nước, việc tham gia của các nước có tiềm lực về kỹ thuật, công nghệ và tài chính như Hoa Kỳ cũng sẽ góp phần nhanh chóng hiện thực hóa các mục tiêu của sáng kiến.

Việt Nam tham gia sáng kiến tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch cùng với Singapore và Brunei. (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN và nhận định các nội dung của sáng kiến phù hợp với nội dung các trụ cột về kinh tế sạch và chuỗi cung ứng của khuôn khổ Đối tác kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Việt Nam cũng cho rằng sáng kiến này có thể tạo tiền đề thúc đẩy, gắn kết chặt chẽ hơn nữa các mối quan hệ đối tác quan trọng trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là giữa các quốc gia ASEAN trong lĩnh vực vô cùng quan trọng, cấp thiết hiện nay là năng lượng tái tạo, từ đó tạo ra những lợi ích thiết thực và nhanh chóng cho doanh nghiệp, người dân các nước.

Kết thúc phiên họp, ba Bộ trưởng nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và sớm thành lập nhóm công tác chuyên trách cấp kỹ thuật để triển khai các công việc có liên quan, với mục tiêu mang tới các kết quả cụ thể, thiết thực.

Bên lề Hội nghị IPEF, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Gan Kim Yong và Bộ trưởng Dato Amin Liew cũng đã tiếp xúc với Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo để trao đổi về sáng kiến này. Bà Raimondo đánh giá cao tính thiết thực và kịp thời của sáng kiến trong bối cảnh chuỗi cung ứng khu vực bị đứt gãy và ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh cũng như các biến động khác trên thế giới trong thời gian qua. Bà Raimondo cho biết sẽ xem xét tích cực vấn đề này, tạo cơ sở cho việc hợp tác giữa bốn bên trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.

Thúc đẩy hợp tác song phương Việt – Đức trong ngành năng lượng

Với mục tiêu thúc đẩy hợp tác để Việt Nam trở thành đối tác dài hạn của CHLB Đức, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (GIZ/ESP) đã có những phiên thảo luận với các cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương để trao đổi những chủ đề và hoạt động tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng, đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển mới, đặc biệt là sau tuyên bố về phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Ảnh minh họa

Với sự tham gia thảo luận sôi nổi và tích cực từ đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA), Cục Điều tiết Điện lực (ERAV), Vụ Than và Dầu khí… các bên đã chia sẻ và thống nhất về những nội dung hợp tác trong thời gian tới như: 

Nghiên cứu các quy định hiện hành trong phát triển năng lượng tái tạo, kinh nghiệm quốc tế và đưa ra các đề xuất điều chỉnh phù hợp.

Nghiên cứu, rà soát và đề xuất các giải pháp bù đắp những khoảng trống pháp lý cho phát triển điện gió ngoài khơi.

Nghiên cứu phát triển hydrogen tại Việt Nam.

Nghiên cứu về chuyển dịch năng lượng công bằng và bền vững.

Học tập kinh nghiệm quốc tế liên quan đến chính sách đấu nối, truyền tải, dự báo nguồn năng lượng tái tạo, giải tỏa nghẽn lưới, các cơ chế giá.

Nghiên cứu cơ chế đấu thầu phát triển các nguồn điện với mục tiêu vừa đảm bảo cạnh tranh vừa đầy đủ cung cấp nguồn điện cho quốc gia.

Tiếp tục các nghiên cứu về thị trường điện.

Đề xuất dự án Trung tâm hydro xanh tại Quảng Trị

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng mới có buổi làm việc với Công ty CP tư vấn xây dựng điện 2 và các đối tác về đề xuất, nghiên cứu Trung tâm hydro xanh tại Quảng Trị.

Tại buổi làm việc, đại diện các nhà đầu tư đề xuất tỉnh Quảng Trị xem xét chấp thuận cho nhà đầu tư khảo sát nghiên cứu địa điểm đầu tư dự án Trung tâm hydro xanh Hải Lăng gồm: các nhà máy điện mặt trời, điện gió; nhà máy sản xuất H2/NH3 dự kiến tại khu kinh tế Đông Nam với diện tích khoảng 40 ha.

Đồng thời, đại diện các nhà đầu tư đề xuất tỉnh xem xét giới thiệu thêm cho nhà đầu tư một số vị trí, địa điểm thuận lợi khác căn cứ theo tiêu chí lựa chọn địa điểm đã nêu trong báo cáo, đặc biệt là các vùng đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có thể kết hợp điện mặt trời để khảo sát và đề xuất vị trí phù hợp nhất, cũng như dự phòng mở rộng trong tương lai.

Xem xét hỗ trợ và có các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư theo quy định đối với các dự án năng lượng xanh và sạch. Xem xét báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án.

Các nhà đầu tư đề xuất tỉnh Quảng Trị xem xét chấp thuận cho nhà đầu tư khảo sát nghiên cứu địa điểm đầu tư dự án Trung tâm hydro xanh Hải Lăng tại khu kinh tế Đông Nam

Cụ thể, dự kiến quy mô công suất các nhà máy thuộc dự án Trung tâm hydro xanh Hải Lăng gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 có quy mô công suất điện mặt trời là 700 MWp, 300 MW điện gió và 193.000 tấn NH2/năm; giai đoạn 2 là 1.800 MWp điện mặt trời, 700 MW điện gió và 465.000 tấn NH2/năm; giai đoạn 3 là 1.800 MWp điện mặt trời, 700 MW điện gió và 82.000 tấn H2 lỏng/năm.

Dự kiến tổng mức đầu tư 3 giai đoạn hơn 175.600 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 hơn 31.300 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhận định, đề xuất xây dựng Trung tâm hydro xanh của các nhà đầu tư phù hợp với chủ trương phát triển tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung cũng như các điều kiện đầu tư vào lĩnh vực năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Để triển khai các bước tiếp theo, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu, khảo sát và có báo cáo cụ thể để tỉnh xem xét cấp chủ trương đầu tư trong thời gian tới. Tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách ưu đãi và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng, địa phương cần tiếp tục đồng hành, quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục cần thiết trong quá trình tìm hiểu, khảo sát thực hiện dự án theo đúng quy định.

Ngân Hà