Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 39/2023

Thứ hai, 9/10/2023 | 08:00 GMT+7
Theo báo cáo mới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lũy kế 9 tháng năm 2023, sản lượng toàn hệ thống đạt 209,9 tỷ kWh, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

9 tháng năm 2023, sản lượng toàn hệ thống tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước

Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 9/2023 đạt 23,5 tỷ kWh (trung bình 784,9 triệu kWh/ngày), tăng 6,7% với cùng kỳ năm 2022; sản lượng ngày cao nhất đạt 869,9 triệu kWh và công suất cao nhất đạt 42.054 MW (ngày 22/9). Lũy kế 9 tháng, sản lượng toàn hệ thống đạt 209,9 tỷ kWh, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện như sau:

Thủy điện: 58,05 tỷ kWh, chiếm 27,7%. Do vào đầu tháng 9 lưu lượng nước về các hồ tốt trên cả 3 miền nên thủy điện được khai thác tăng, đặc biệt là các hồ thủy điện đa mục tiêu.

Nhiệt điện than: 97,2 tỷ kWh, chiếm 46,3%.

Tuabin khí: 20,82 tỷ kWh, chiếm 9,9%.

Nhiệt điện dầu: 1,23 tỷ kWh, chiếm 0,6%.

Năng lượng tái tạo: 29,13 tỷ kWh, chiếm 13,9% (trong đó điện mặt trời đạt 20,45 tỷ kWh; điện gió đạt 8,01 tỷ kWh).

Điện nhập khẩu: 3,1 tỷ kWh, chiếm 1,5%.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, sản lượng toàn hệ thống đạt 209,9 tỷ kWh

Trong 9 tháng năm 2023, điện sản xuất của EVN và các Tổng công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 87,79 tỷ kWh, chiếm 41,83% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.

Tháng 10/2023, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 754,4 triệu kWh/ngày, tăng 7,22% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình cung cấp điện trong tháng 10 dự kiến vẫn tiếp tục được đảm bảo.

EVN ký biên bản ghi nhớ hợp tác hướng tới mục tiêu khử carbon cùng đối tác Nhật Bản

Mới đây, ại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty JERA (Nhật Bản) ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác hướng tới mục tiêu khử carbon.

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, EVN cần có những giải pháp cắt giảm phát thải CO2 đối với những nhà máy điện than hiện có, thông qua việc nâng cao hiệu suất; chuyển đổi qua sử dụng nguồn nhiên liệu sinh khối, đồng đốt amoniac, nghiên cứu các công nghệ thu hồi, lưu trữ carbon được áp dụng tại các quốc gia phát triển để xem xét khả năng ứng dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn lực về công nghệ, kinh nghiệm cũng như tài chính của Việt Nam hiện nay còn khá hạn hẹp nên việc nắm bắt tối đa các cơ hội về chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tài chính từ các nước phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ khử carbon như Nhật Bản là rất cần thiết.

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân và Giám đốc điều hành cấp cao JERA Toshiro Kudama ký kết biên bản ghi nhớ

Lãnh đạo EVN cũng mong muốn JERA tiếp tục hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành điện Việt Nam trong bối cảnh mới, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai bên.

Trong giai đoạn tới, EVN và JERA sẽ phối hợp đưa ra kế hoạch hành động để triển khai các nội dung hợp tác cụ thể gồm: xây dựng lộ trình khử carbon trong các nhà máy nhiệt điện than; lộ trình khử carbon tổng thể cho EVN; nghiên cứu ứng dụng công nghệ khử carbon, công nghệ đồng đốt amoniac, hydrogen cho các nhà máy nhiệt điện than hiện có của EVN…

Hợp tác về chuyển đổi xanh

Cuộc họp khởi động Nhóm công tác Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á (AZEC) - chuyển đổi xanh giữa Bộ Công Thương Việt Nam và các đối tác Nhật Bản mới đây đã diễn ra tại Hà Nội. Cuộc họp nhằm sớm đưa ra hành động để thực hiện các sáng kiến về chuyển đổi năng lượng, cắt giảm phát thải...

Phát biểu lại sự kiện, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Với nền kinh tế đang phát triển nhanh, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển xanh và bền vững. Trong đó, quá trình chuyển dịch năng lượng đang được chỉ đạo đẩy nhanh trên tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, các định chế tài chính song phương và đa phương.

Thời gian qua, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã phối hợp với phía Nhật Bản thiết lập Nhóm công tác xúc tiến chuyển đổi xanh. Nhóm công tác được triển khai với vai trò là đầu mối tham vấn giữa Chính phủ Việt Nam và khu vực công – tư Nhật Bản nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.

Ngoài ra, việc thành lập và triển khai Nhóm công tác xúc tiến AZEC còn có vai trò như một mô hình mẫu cho Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới.

Cần chuyển dịch năng lượng từ nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch

Tại cuộc họp, hai bên đã giới thiệu cấu trúc Nhóm công tác AZEC, các trưởng phân nhóm 1, 2, 3 giới thiệu về cấu trúc cùng các thành viên và hoạt động ưu tiên trong thời gian tới. Hai bên ra mắt các thành viên trong Nhóm công tác bao gồm: phân nhóm công tác về chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi xanh các nhà máy điện, phân nhóm công tác về năng lượng tái tạo, phân nhóm công tác về hệ thống và thị trường điện.

Về phía Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cùng với Cục Điều tiết điện lực sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Nhật Bản xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai những hoạt động đảm bảo tính hiệu quả trong các phân nhóm này.

Bộ Công Thương kỳ vọng trong thời gian tới, hai bên sẽ tiến hành các cuộc họp để thảo luận sâu hơn nữa về những thuận lợi, cơ hội cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai công việc cụ thể nhằm hỗ trợ phát triển ngành năng lượng nói chung, ngành điện nói riêng theo định hướng chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.

Ngân Hà