Năng lượng tái tạo

Nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi

Thứ năm, 25/4/2024 | 14:10 GMT+7
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi.

Thực hiện nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các tập đoàn, doanh nghiệp rà soát, xây dựng Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 42/TB-VPCP ngày 5/2/2024 và Thông báo số 117/TB-VPCP ngày 25/3/2024 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương đã nghiên cứu và dự thảo: Báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội.

Ảnh minh họa

Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã nhận được Thông báo số 42/TB-VPCP và khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Đồng thời, Bộ Công Thương đã có Công văn số 1775/BCT-DL ngày 21/3/2024 gửi các Bộ, cơ quan đề nghị cử cán bộ tham gia Tổ công tác liên ngành và nêu ý kiến góp ý về điện gió ngoài khơi.

Tuy nhiên, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực rất mới tại Việt Nam, hiện chưa có kinh nghiệm trong đầu tư, có liên quan đến an ninh, chủ quyền biển đảo và do vướng mắc của pháp luật về điện gió ngoài khơi có nội dung liên quan đến chức năng nhiệm vụ của nhiều Bộ, cơ quan nên chưa thể đánh giá đầy đủ những vướng mắc, bất cập mà sẽ được Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện sau khi nhận được ý kiến của Thường trực Chính phủ và ý kiến góp ý của các Bộ, cơ quan.

Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng, Đề án cần dược nghiên cứu khoa học, kỹ lưỡng, thận trọng và cần đầu tư cả về thời gian, chất lượng cho công tác nghiên cứu. Thông thường, việc xây dựng đề án như trên sẽ do đơn vị tư vấn có năng lực tiến hành thực hiện (như đề án Quy hoạch điện VIII).

Về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết: trường hợp trong năm 2024 Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi thì đến năm 2030 dự án thí điểm cũng rất khó khả thi để đi vào vận hành (do theo nhận định của nhiều chuyên gia thì thời gian thực hiện dự án điện gió ngoài khơi cần từ 6 đến 8 năm kể từ khi bắt đầu khảo sát). Đồng thời, việc đạt được 6.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII là rất khó khả thi. Như vậy, cần làm rõ mục tiêu của việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội.

Ngoài ra, Bộ Công Thương thấy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội cần được thực hiện theo trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật và cần thời gian để thực hiện việc tổng kết, lấy ý kiến Bộ, ngành; cần được thẩm định, trình Chính phủ cho ý kiến. Do vậy, việc trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 năm 2024 theo Bộ Công Thương là không khả thi và không phù hợp với quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương cũng có công văn đề nghị các Bộ, cơ quan phối hợp, có ý kiến bằng văn bản về dự thảo Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi và gửi về Bộ Công Thương trước ngày 30/4/2024.

Nhã Quyên (t/h)