Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 4/2020

Thứ hai, 3/2/2020 | 09:26 GMT+7
Với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Công ty CP Đầu tư Phát triển năng lượng TTC (Công ty Năng lượng TTC) sẽ xây dựng và vận hành một nhà máy điện mặt trời công suất 50 MW tại tỉnh Tây Ninh.

Phát triển dự án điện mặt trời công suất 50 MW tại Tây Ninh

ADB vừa ký kết một thỏa thuận cho vay trị giá 37,8 triệu USD với Công ty Năng lượng TTC để cung cấp nguồn tài trợ dài hạn cho việc xây dựng và vận hành một nhà máy điện mặt trời công suất 50 MW tại tỉnh Tây Ninh.

Công ty Năng lượng TTC, được thành lập năm 2017, có 90% cổ phần thuộc sở hữu của Công ty trách nhiệm hữu hạn đại chúng Phát triển Năng lượng Gulf (GED). GED là công ty sản xuất điện năng tư nhân hàng đầu và hiện sở hữu danh mục các dự án nhiệt điện khí lớn nhất tại Thái Lan.

Hỗ trợ của ADB cho dự án điện mặt trời Gulf được cung cấp thông qua một cơ chế tài trợ dự án sáng tạo, bảo đảm khả năng thu hút vốn của dự án. Nó sẽ giúp thúc đẩy nguồn tài trợ thương mại cho một trong những giao dịch tài trợ dự án điện mặt trời quy mô lớn đầu tiên của cả nước. Thỏa thuận vay này bao gồm một khoản vay loại A trị giá 11,3 triệu USD và một khoản vay loại B lên tới 18,9 triệu USD.

Một khoản vay bổ sung trị giá 7,6 triệu USD đã được Quỹ Cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân Leading Asia cung cấp với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản. Khoản vay này đánh dấu giao dịch đầu tiên trong phạm vi chương trình tài trợ “không song song” và giúp cải thiện khả năng thu hút vốn và tính khả thi tài chính của dự án, để cho phép các bên cho vay khác cung cấp nguồn vốn dài hạn bằng đồng Đô la Mỹ cho dự án. Khoản vay loại B sẽ do Ngân hàng Bangkok, Ngân hàng thương mại Siam và Ngân hàng Standard Chartered (Thái Lan) cung cấp.

Tây Ninh chuẩn bị có dự án điện mặt trời công suất 50 MW

Ông Jackie B. Surtani, Trưởng Ban Tài trợ cơ sở hạ tầng, Vụ Hoạt động khu vực tư nhân của ADB chia sẻ: “ADB rất hào hứng với giao dịch này bởi dự án sẽ có tác động to lớn tới tính bền vững và an ninh trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam trong những năm tới. Ngoài việc cung cấp nguồn vốn hết sức cần thiết để phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam, dự án cũng sẽ giúp giảm những rủi ro được nhìn nhận đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam”.

Bà Yupapin Wangviwat, Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn đại chúng Phát triển Năng lượng Gulf (GED) cho biết: “Chúng tôi tin rằng, với cơ chế tài trợ cạnh tranh và dài hạn do ADB dẫn dắt, nền tảng dự án sẽ vững chắc và dự án sẽ thành công như kế hoạch”.

Dự án sẽ xây dựng và vận hành nhà máy điện mặt trời công suất 50 MW cùng các công trình phụ trợ tại tỉnh Tây Ninh. Khi hoàn thành và đi vào hoạt động, nhà máy điện mặt trời sẽ đáp ứng trực tiếp nhu cầu về điện của người dân và doanh nghiệp TPHCM cùng các khu vực lân cận. Nó sẽ giúp giảm tới 29.760 tấn khí carbon phát thải hằng năm vào năm 2020.

Sản xuất, phân phối điện dẫn đầu trong thu hút FDI trong tháng 1/2020

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/1/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,33 tỷ USD, tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, sản xuất, phân phối điện dẫn đầu trong các ngành, lĩnh vực thu hút FDI.

Trong đó, cả nước có 258 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 14,2% về số dự án được cấp mới. Tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 4,46 tỷ USD, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đăng ký mới tăng mạnh do trong tháng 1/2020, dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư là 4 tỷ USD. Vì vậy, quy mô vốn đăng ký bình quân của dự án mới tăng từ 3,6 triệu USD trong tháng 1/2019 lên 17,3 triệu USD trong tháng 1/2020.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong tháng 1 đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực sản xuất, phân phối điện dẫn đầu, với tổng số vốn đạt 4,04 tỷ USD, chiếm 75,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 856,3 triệu USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất về số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh cũng như góp vốn mua cổ phần.

Bộ Công Thương yêu cầu các nhà máy nhiệt điện tăng cường công tác bảo vệ môi trường

Bộ Công Thương mới đây đã ban hành văn bản yêu cầu các nhà máy nhiệt điện tăng cường công tác bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, do nhu cầu sử dụng điện cho các hoạt động kinh tế tăng mạnh, nguồn cung cấp điện ngày càng hạn chế vì vậy, các nhà máy nhiệt điện được huy động vận hành với công suất cao, đảm bảo an ninh năng lượng đất nước. Để đảm bảo an toàn, tin cậy trong quá trình sản xuất cũng như công tác bảo vệ môi trường, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản số 515/BCT-ATMT ngày 21/1/2020 gửi các nhà máy nhiệt điện. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các nhà máy nhiệt điện tổ chức thực hiện các nội dung sau:

Một là, về các giải pháp chung:

Tiếp tục thực hiện nghiêm các yêu cầu của Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành công thương.

Thực hiện đúng quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và các giấy phép môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin cập nhật, chính xác, đầy đủ về công nghệ sản xuất, phương án bảo đảm an toàn, công tác bảo vệ môi trường cho chính quyền, người dân địa phương, các cơ quan truyền thông (có thể thông qua bảng điện tử hiển thị kết quả chất lượng môi trường đặt tại cổng nhà máy, trên trang thông tin điện tử của các công ty, hoạt động tham quan thực tế nhà máy của cộng đồng dân cư…).

Hai là, về các giải pháp quản lý chất thải:

Đối với nước thải: thực hiện các giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng triệt để nước thải sau xử lý cho các công đoạn sản xuất, hoạt động của nhà máy. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước làm mát đầu ra theo đúng các

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, đặc biệt là các thông số về nhiệt độ và hàm lượng clo dư.

Các nhà máy nhiệt điện sẽ phải tăng cường công tác bảo vệ môi trường

Đối với khí thải:

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng khí thải đầu ra đáp ứng đúng cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo đưa hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào hoạt động ngay từ đầu của quá trình khởi động, thay thế sử dụng dầu đốt kèm từ FO sang DO, hoàn thành việc lắp đặt và truyền số liệu quan trắc khí thải tự động đến các cơ quan môi trường địa phương.

Đối với chất thải rắn:

Lập, phê duyệt và thực hiện đúng, đầy đủ nội dung Đề án tiêu thụ, xử lý tro, xỉ, thạch cao theo quy định.

Tăng cường các biện pháp giảm thiểu bụi từ kho than, khu vực cảng than, việc vận chuyển, lưu giữ tro, xỉ tại bãi xỉ.

PV