Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 44/2022

Thứ hai, 14/11/2022 | 08:00 GMT+7
Trong khuôn khổ Hội nghị COP27 đang diễn ra tại Ai Cập, 9 quốc gia mới vừa đăng ký tham gia Liên minh điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA).

Thêm 9 quốc gia tham gia Liên minh Điện gió ngoài khơi toàn cầu

Theo thông cáo mới của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), 9 quốc gia mới bao gồm Bỉ, Colombia, Đức, Ireland, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Anh, Mỹ tham gia Liên minh Điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA) với cam kết đẩy nhanh việc phát triển điện gió ngoài khơi nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng về khí hậu và an ninh năng lượng.

Liên minh do IRENA, Đan Mạch và Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu khởi xướng, nhằm tập hợp các chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và những bên liên quan khác để đẩy nhanh việc triển khai điện gió ngoài khơi.

Các quốc gia tham gia GOWA đã đồng ý hợp tác để thúc đẩy tham vọng quốc gia, khu vực và toàn cầu nhằm xóa bỏ các rào cản đối với việc triển khai gió ngoài khơi. Điện gió ngoài khơi có thể được triển khai ở quy mô lớn, trong khung thời gian ngắn và với chi phí cạnh tranh. Đây là một giải pháp khả thi để đẩy nhanh tốc độ đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo.

Thêm 9 quốc gia tham gia Liên minh Điện gió ngoài khơi toàn cầu

Cả IRENA và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đều nhận định rằng, công suất điện gió ngoài khơi sẽ cần vượt qua 2.000 GW vào năm 2050, từ mức chỉ hơn 60 GW hiện nay để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5 độ C và đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Để đạt được mục tiêu này, GOWA đặt mục tiêu góp phần thúc đẩy tăng trưởng để đạt tổng công suất lắp đặt ít nhất 380 GW vào cuối năm 2030.

Tổng giám đốc IRENA Francesco La Camera cho biết: Điện gió ngoài khơi là nguồn bổ sung sản lượng điện không carbon mới quan trọng, giúp các quốc gia có cơ sở để nâng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Điện gió ngoài khơi không chỉ có sức cạnh tranh với các nguồn phát điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà còn có thể tạo ra một sự thúc đẩy lớn cho đầu tư và tạo việc làm mới.

Đề xuất xây dựng Nhà máy điện rác tỉnh Bến Tre

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đã làm việc với liên danh nhà đầu tư để nghe báo cáo về dự án Nhà máy điện rác tỉnh Bến Tre công suất 12MW.

Liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án Nhà máy điện rác tỉnh Bến Tre gồm Công ty TNHH Conch Venture và Công ty TNHH đầu tư thương mại Ngôi Sao Vàng.

Tại buổi làm việc, liên danh nhà đầu tư thông tin về đề xuất xây dựng nhà máy điện rác với quy mô công suất phát điện 12MW, xử lý lượng rác thải sinh hoạt 500 tấn/ngày. Dự án áp dụng công nghệ đốt tiên tiến, có thu hồi năng lượng để sản xuất điện năng nhằm giải quyết triệt để, hiệu quả vấn đề chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Ước tính sản lượng điện sản xuất từ dự án này vào khoảng 100.000 MWh/năm (trong đó, sản lượng điện tự dùng 20%; sản lượng điện thương phẩm khoảng 80.000 MWh/năm). Tổng vốn đầu tư cho dự án là 70 triệu USD.

Ảnh minh họa

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, tỉnh đã có quyết định đóng cửa Nhà máy rác Hữu Định (khoảng 4ha) vì vậy, tỉnh rất cần nhà đầu tư sớm triển khai nhà máy mới.

Theo ông Trần Ngọc Tam, toàn tỉnh Bến Tre hiện có 40 dự án về phát triển đô thị với diện tích trên 2.000ha, tỉnh cũng có chương trình lấn biển khoảng 50.000ha để phát triển đô thị, du lịch, cụm công nghiệp, cảng biển… Do vậy tới đây, nhu cầu xử lý rác trên địa bàn Bến Tre rất cao. Trong đó, tiêu chí của tỉnh chọn lựa nhà đầu tư nhà máy xử lý rác là công nghệ hiện đại, ít ô nhiễm môi trường; thời gian thi công vận hành sớm nhất và chỉ chiếm diện tích vừa phải.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre ghi nhận những đề xuất của nhà đầu tư và cho biết sẽ sớm tổ chức công khai các quy trình, thủ tục đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư nhà máy xử lý rác, đồng thời mong liên danh nhà đầu tư sẽ tham gia trong đợt đấu thầu tới.

Dự án Nhà máy điện rác Seraphin vượt tiến độ nhiều hạng mục

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông tới kiểm tra tiến độ công trình Nhà máy điện rác Seraphin.

Nhà máy điện rác Seraphin do Công ty CP Công nghệ môi trường xanh Seraphin thuộc Tập đoàn Amaccao làm chủ đầu tư. Việc xây dựng nhà máy nhằm mục tiêu tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt cho TP Hà Nội từ 1.500 – 2.000 tấn/ngày, đêm, giảm thể tích phải chôn lấp từ 100% xuống còn 3%, góp phần làm sạch môi trường sống của người dân địa phương, TP Hà Nội, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp và phát điện lưới quốc gia.

Kiểm tra tại công trường, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông đánh giá nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu. Sau hơn 7 tháng tăng tốc thi công, dự án đã đạt và vượt tiến độ trên nhiều hạng mục.

Hiện dự án Nhà máy điện rác Seraphin đã đạt và vượt tiến độ nhiều hạng mục

Ông Nguyễn Trọng Đông đề nghị chủ đầu tư và các nhà thầu tiếp tục duy trì tiến độ, chất lượng kỹ thuật cũng như an toàn công trình để sớm đưa nhà máy vào nghiệm thu, hoạt động, xử lý rác cho thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao các sở, ngành và chính quyền huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây tích cực phối hợp, hướng dẫn, tháo gỡ giúp đỡ các thủ tục cho chủ đầu tư, đảm bảo đúng quy trình, tuân thủ pháp luật nhằm đảm bảo chất lượng kỹ thuật, an toàn công trình để sớm đưa nhà máy vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu cấp bách về xử lý rác thải.

Chủ đầu tư dự án khẳng định thực hiện đúng cam kết với TP Hà Nội, vượt tiến độ dự án, sớm đưa vào vận hành Nhà máy điện rác Seraphin đạt được các tiêu chí chất lượng kỹ thuật tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng môi trường, coi chất thải là tài nguyên, vì một thành phố xanh, sạch, đẹp.

Ngân Hà