Trong nước

Bộ Công Thương ban hành chương trình hành động thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 2024

Thứ sáu, 26/1/2024 | 10:15 GMT+7
Mới đây, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 155/QĐ-BCT ngày 23/1/2024 ban hành chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Chương trình cũng nhằm mục tiêu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Chính phủ giao cho ngành công thương năm 2024. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7 - 8%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%; điện sản xuất và nhập khẩu đạt 306,259 tỷ kWh; điện thương phẩm đạt 262,26 - 269,3 tỷ kWh.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu khoảng 15 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 9%; tăng trưởng thương mại điện tử B2C khoảng 18 - 20%.

Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc ngành. Cụ thể, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững. Đảm bảo ổn định các cân đối lớn của ngành. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính và đổi mới doanh nghiệp, cơ cấu lại một cách hiệu quả, thực chất công tác đầu tư công.

Ảnh minh họa

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn vói nâng cao hỉệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chip và chất bán dẫn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp.

Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, hội đồng vùng, thực hiện nghiêm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị.

Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Bên cạnh đó, tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhâp quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.

Về phát triển nguồn điện và năng lượng tái tạo: Bộ Công Thương yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng và các đơn vị liên quan tập trung giải quyết những công việc liên quan theo thẩm quyền, phấn đấu sớm đưa vào vận hành nhiều công trình lưới trong năm 2024 như: đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu, đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa, đường dây 500kV Nhiệt điện Nam định I – Phố Nối, trạm biến áp 500kV Bắc Binh và đường dây đấu nối, đường dây 500kV Thanh Hóa - rẽ Nho Quan – Hà Tĩnh, trạm biến áp 500kV Thanh Hóa. Bên cạnh đó, Cục Điện lực và Năng lượng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm ngành điện, huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, tuyệt đối không để thiếu điện…

Đức Dũng