Bộ Công Thương lấy ý kiến về dự án Luật Điện lực sửa đổi

Thứ sáu, 29/3/2024 | 11:09 GMT+7
Bộ Công Thương vừa có công văn số 2034/BCT-ĐTĐL ngày 28/3/2024 về việc xin ý kiến đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Công văn gửi: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các tổ chức chính trị - xã hội và hiệp hội có liên quan; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan...

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 2/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ, trong đó, tại điểm a khoản 2 Phần II có giao Bộ Công Thương: “Nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy định trong Luật Điện lực và các văn bản có liên quan về giá điện, điều tiết điện lực, chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải điện và thị trường điện phù hợp với lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh".

Tại Nghị quyết số 203/NQ-CP ngày 1/12/2023, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương trình Chính phủ dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trước tháng 7 năm 2024. Để đảm bảo tiến độ Chính phủ giao, căn cứ công văn số 1111/VPCP-PL ngày 21/2/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc về việc thành lập Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương đã triển khai công tác xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Bộ Công Thương lấy ý kiến về dự thảo Luật điện lực (sửa đổi)

Dự thảo Luật bám sát vào 6 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội và không bổ sung chính sách mới gồm:

Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước;

Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới;

Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực;

Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường;

Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện;

An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 94 điều. Nội dung dự thảo Luật, dự thảo Tờ trình cùng các tài liệu liên quan được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ http://www.moit.gov.vn.

Đức Dũng