Nông nghiệp sạch

Các tỉnh hướng đến phát triển nông nghiệp hữu cơ

Thứ ba, 11/5/2021 | 11:31 GMT+7
Theo đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều tỉnh, địa phương trên cả nước đã triển khai và bước đầu thu được hiệu quả khả quan về phát triển nông nghiệp sạch.

Được biết, đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích phát triển nông nghiệp hữu cơ đạt từ 1,5 - 2% tổng diện tích đất nông nghiệp, đến năm 2030 đạt từ 2,5 - 3%.

Tính đến nay, một số địa phương đã dần nâng cao năng suất, mở rộng quy mô diện tích trồng nông sản hữu cơ để đáp ứng mục tiêu trên. Trong đó, Sở NN&PTNT tỉnh Ðồng Nai cho biết, toàn tỉnh có 895ha đất sản xuất nông sản được cấp chứng nhận VietGAP. Các vùng trái cây đặc sản VietGAP, GlobalGAP như bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu), sầu riêng VietGAP (huyện Long Thành)... còn đang dần trở thành những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. 

Tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn 2020 – 2025 cũng đề ra kế hoạch hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên lúa, rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi bò, heo, dê, gà. Trong đó, vùng sản xuất lúa hữu cơ có diện tích khoảng 35 - 50ha; rau màu hữu cơ có diện tích khoảng 15 - 28ha; cây ăn trái hữu cơ có diện tích khoảng 40 - 63ha; cây dược liệu hữu cơ chiếm khoảng 2 - 5ha…

Vùng sản xuất rau màu hữu cơ đạt chuẩn VietGAP

Để đóng góp vào thành công của đề án, tỉnh Ninh Thuận - tỉnh có diện tích canh tác theo hướng hữu cơ lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ đã trồng gần 500ha cây ăn trái, trong đó riêng diện tích trồng nho theo hướng hữu cơ đạt 285ha… giúp nâng cao đáng kể hiệu quả kinh tế, tạo uy tín đặc sản vùng và tăng thu nhập cho người dân.

Mới đây, UBND tỉnh Nam Ðịnh cũng đã ban hành kế hoạch số 118/KH-UBND về phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, từ năm 2021 - 2025, tỉnh xác định vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực của tỉnh, bao gồm: lúa chất lượng cao, rau các loại, khoai tây, ngô, lạc, cây ăn quả các loại, cây dược liệu, nuôi dưỡng, trồng trọt trong sân và sản xuất muối. Bên cạnh đó, lựa chọn xây dựng 15 - 20 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ làm cơ sở xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ có giá trị sản phẩm trên 1ha canh tác tăng 1,3 - 1,5 lần so với  sản xuất phi hữu cơ…

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng là một trong những địa phương có diện tích sản xuất nông sản sạch lớn trong cả nước. Hiện tỉnh có hơn 1.600ha vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn; trong đó gần 1.000ha rau an toàn được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hơn 690ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng rau an toàn và rau được cấp giấy chứng nhận VietGAP chiếm khoảng 25% tổng sản lượng rau sản xuất toàn tỉnh, tương đương khoảng 40.000 - 45.000 tấn/năm.

Mặc dù sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng và sẽ là xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai nhưng việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở nước ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong cả nguồn cung và nhu cầu của thị trường.

Theo đó, để phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững cần phải tăng cường phổ biến, đào tạo tiêu chuẩn hữu cơ cho người nông dân, doanh nghiệp, cán bộ tư vấn nông nghiệp. Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ việc giới thiệu, quảng bá, phát triển thị trường nông sản hữu cơ cả nội địa lẫn quốc tế thông qua việc xây dựng hệ thống phân phối, các kênh xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu. Nhanh chóng đầu tư, hỗ trợ nâng cao chất lượng các đơn vị phân tích, đánh giá tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế để giảm chi phí phân tích, đánh giá mẫu trong sản xuất hữu cơ. Khi nông sản hữu cơ được sản xuất với chi phí hợp lý, chất lượng được đảm bảo bằng các chứng nhận có uy tín sẽ tạo được lòng tin của người tiêu dùng, giải quyết được bài toán thị trường trong và ngoài nước.

Huyền Dung (T/h)