Nông nghiệp sạch

Hợp tác công – tư nhằm chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững

Thứ ba, 30/1/2024 | 17:10 GMT+7
Ngày 30/1, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan làm việc với đại diện Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tăng trưởng châu Á và các doanh nghiệp tham gia Đối tác nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV).

Chia sẻ tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT xem đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) là công cụ quan trọng để thu hút sự quan tâm của các đối tác tiềm năng, tìm kiếm những bên có cùng định hướng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng cường đầu tư vào chế biến sâu, giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm của sản phẩm nông nghiệp.

Việt Nam đã và đang tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Hiện thực phẩm sản xuất ở Việt Nam đã tiếp cận nhiều bàn ăn trên thế giới. Tại buổi làm việc lần này, Bộ NN&PTNT mong các đối tác quốc tế sẽ hỗ trợ nguồn lực, tư vấn kỹ thuật để cùng Việt Nam hướng tới những giá trị cao hơn.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp Việt Nam thông tin thêm, Bộ NN&PTNT đang tích cực thảo luận với Vụ Hợp tác quốc tế và Ban Thư ký PSAV xây dựng kế hoạch ngắn hạn và trung hạn nhằm triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp vào phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững, thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quang cảnh buổi làm việc

Về phía đối tác quốc tế, đại diện Ngân hàng Thế giới hoan nghênh nỗ lực của Bộ NN&PTNT cũng như Chính phủ Việt Nam vì những hành động thiết thực và cam kết mạnh mẽ về chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững.

Ông Paavo Eliste, Giám đốc vùng Đông Á - Thái Bình Dương phụ trách lĩnh vực nông nghiệp và lương thực của Ngân hàng Thế giới thông báo, Chủ tịch Ngân hàng Ajay Banga sẽ tới thăm Việt Nam vào tháng 3/2024. Chủ tịch Ajay Banga rất quan tâm tới Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Đồng thời mong muốn có thể tận mắt quan sát những thành tựu đạt được trong dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT). 

Bà Cherie Tan, Giám đốc Quan hệ công chúng, khoa học và phát triển bền vững, Tập đoàn Bayer đã đưa ra ví dụ về sáng kiến đổi mới nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi ngành hàng lúa gạo bền vững. Tập đoàn Bayer hiện đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai mô hình Nông nghiệp bền vững - hướng đến tương lai (ForwardFarm).

Với vai trò đồng chủ tịch nhóm PPP trong sản xuất lúa gạo, Bayer nỗ lực hỗ trợ nông dân tăng sản lượng, giảm chi phí sản xuất, tiếp cận thị trường. Năm 2023, chương trình ForwardFarm đã tập huấn cho 50 cán bộ khuyến nông và 2.000 nhà nông tại đồng bằng sông Cửu Long về thực hành canh tác bền vững. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đưa ra giải pháp về công nghệ số, hỗ trợ nông dân tham gia chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo.

Trong mạng lưới PSAV, Tổ chức Tăng trưởng châu Á cũng có nhiều đóng góp về hỗ trợ tài chính, nguồn lực cũng như kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế tham gia triển khai Mạng lưới đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm (FIHV).

Việc trao đổi những tiến bộ công nghệ để chế biến đa dạng hóa sản phẩm, chế biến phụ phẩm, cải thiện khả năng phục hồi môi trường và chuỗi cung ứng nông sản thông minh thích ứng biến đổi khí hậu là trọng tâm hợp tác trong thời gian tới. Tổ chức sẽ cùng đàm thảo với các bên liên quan nhằm triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ngọc Mai (T/H)