Năng lượng tái tạo

Cần sớm gỡ khó cho năng lượng tái tạo

Thứ sáu, 20/11/2015 | 12:08 GMT+7
Theo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, năng lượng tái tạo được xác định là cấu phần quan trọng của ngành năng lượng.

Chuyện của điện gió

Những năm qua, để đáp ứng nhu cầu gia tăng sản lượng điện tiêu thụ của nền kinh tế, hàng trăm dự án nguồn và lưới điện đã được ngành điện triển khai. Tuy nhiên, do nhiều khu vực là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo cách xa trung tâm, đường xá cách trở nên việc đưa điện, kéo điện lưới quốc gia đến là vô cùng khó khăn và nếu có kéo được thì suất đầu tư cũng vô cùng lớn.

Chính vì vậy, bên cạnh việc phát triển các nguồn năng lượng truyền thống như thủy điện, nhiệt điện... Đảng, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện gió. Đó là Luật Điện lực 2004, Luật Bảo vệ môi trường 2005 và Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050...

Điện gió trên đảo Phú Quý.

Và cùng với những lợi thế tiềm năng để phát triển điện gió, những năm qua, Việt Nam đã triển khai một loạt các dự án điện gió như Dự án điện gió 30kW + 10 diezel (Hải Hậu - Nam Định); Dự án tại Kontum công suất 50-400kW (Bạch Long Vĩ), Dự án điện gió Tuy Phong (Bình Thuận)...

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, những kết quả này là chưa tương xứng với tiềm năng mà Việt Nam đang nắm giữ, lại đang là lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích đầu tư. Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, đến nay, Việt Nam mới khai thác được 5,2MW điện gió, trong khi tiềm năng của nó lên tới 10.000-20.000MW. Thực trạng tương tự cũng đang diễn ra đối với cả việc phát triển điện mặt trời.

Và đây chính là bài toán rất nan giải đặt ra đối với các nhà làm công tác quản lý, hoạch định chính sách phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng điện của Việt Nam. Trong khi nhiều vùng giàu tiềm năng về điện gió, điện mặt trời... nhưng không thể khai thác, ngành điện lại vẫn đang phải thi công, xây dựng các công trình lưới điện kéo điện ra đảo, lên rừng, hoặc xây các nhà máy thủy điện mà phải di dân lớn, môi trường bị tác động mạnh.

Phát triển điện gió như vậy có thể nói là đã hội tụ đầy đủ các yếu tố cần và đủ, Nhà nước khuyến khích đầu tư, ngành điện thì mong có nhà đầu tư để giảm áp lực thu xếp vốn... Nhưng như đã nói, điện gió mới chiếm một tỷ lệ quá nhỏ bé, vào khoảng 0,15% tổng sản lượng điện quốc gia.

Lý giải về điều này, đại diện của EVN cho hay, hiện việc phát triển hệ thống nguồn điện chủ yếu do 3 Tập đoàn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện. Và để đáp ứng nhu cầu gia tăng sản lượng điện hằng năm của nền kinh tế, trong giai đoạn 2010-2015, 3 tập đoàn đã phải huy động hàng tỉ USD để đầu tư. Trong đó, TKV phải huy động khoảng 1,3-1,6 tỉ USD, PVN huy động khoảng 20 tỉ USD và với EVN, con số này lên tới 40 tỉ USD. Vì vậy, việc huy động vốn để triển khai các dự án năng lượng tái tạo vô cùng khó khăn.

Việc thiết bị, máy móc phục vụ các dự án năng lượng tái tạo đều phải nhập khẩu khiến suất đầu tư lớn cũng là một trở ngại quan trọng khiến các dự án không thể phát triển. Cùng với đó là câu chuyện về giá điện còn chưa theo giá thị trường, chưa đảm bảo cho nhà đầu tư thu hồi vốn cũng là một vấn đề... Chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo đã có nhưng lại chưa có những văn bản quy định cơ chế đặc thù hỗ trợ việc triển khai dự án như quy định về giải phóng mặt bằng, giao đất hay thuê đất… Và vì vậy, suốt những năm qua, điện gió mới chỉ thu hút được một vài tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học quan tâm, còn các doanh nghiệp, nhà đầu tư thì hầu như không có.

Nút thắt về giá

Như đã đề cập ở trên, phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng giá là định hướng có tính chiến lược của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo sự phát triển an toàn, ổn định nguồn năng lượng của quốc gia. Ngành điện cũng đang có nhu cầu cấp bách phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... nhằm tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội địa phương và cũng là để giảm áp lực đầu tư cho ngành điện. Điều này cũng được khẳng định trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia là đến năm 2020, sản lượng điện tái tạo phải đạt 2.400MW, chiếm khoảng 5% tổng nguồn điện. Nhưng rõ ràng, chúng ta sẽ khó, thậm chí là không thể đạt được mục tiêu này nếu như không có sự thay đổi về chính sách giá với các dự án năng lượng tái tạo.

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 có nhấn mạnh là phải phát triển đồng bộ và hợp lý hệ thống năng lượng bao gồm điện, dầu, khí, than năng lượng mới và tái tạo, trong đó quan tâm phát triển năng lượng sạch, năng lượng mới và tái tạo. Và để cụ thể hóa mục tiêu này, Chiến lược cũng nêu rõ phải hỗ trợ đầu tư cho các chương trình điều tra, nghiên cứu, chế thử, xây dựng các điểm điển hình sử dụng năng lượng mới và tái tạo; ưu đãi thuế nhập thiết bị, công nghệ mới, thuế sản xuất, lưu thông các thiết bị; bảo hộ quyền tác giả cho các phát minh, cải tiến kỹ thuật có giá trị; cho phép các cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước phối hợp đầu tư khai thác nguồn năng lượng mới và tái tạo trên cơ sở đôi bên cùng có lợi...

Đó là những điều kiện cần và đủ vô cùng quan trọng để chúng ta có thể triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Và vấn đề đặt ra ở đây chỉ còn là câu chuyện về giá. Mức giá 7,8cent/kWh được xem là quá thấp, trong khi theo ông Tô Hoài Dân - Công ty Công Lý thì để làm một dự án điện gió có công suất 30MW, tổng nhu cầu vốn sẽ lên tới 50 triệu USD.

Cùng chia sẻ câu chuyện này, ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Nếu tính tổng các yếu tố như ưu đãi thuế, đất đai… thì giá điện gió sẽ vào khoảng 10 cent/kWh.

Việt Nam có một bờ biển dài với 2 mùa gió chính là Đông Bắc và Đông Nam, tốc độ gió tốt và đây là những lợi thế lớn đến phát triển điện gió. Theo tính toán của WB, tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam khoảng 713,000MW, tương đương 250 lần công suất của thủy điện Sơn La và hơn 13 lần tổng công suất dự báo của ngành Điện năm 2020. Trong khi đó, điện gió còn được xem là nguồn năng lượng thân thiện, ít ảnh hưởng nhất đến môi trường, xã hội.

Từ thực tế trên để thấy rằng, vấn đề cấp bách là phải có một cơ chế giá đủ sức khuyến khích, thu hút nhà đầu tư. Chỉ có như vậy, những tiềm năng về điện gió nói riêng và năng lượng tái tạo ở Việt Nam nói chung mới phát triển. Nhu cầu gia tăng sản lượng điện tiêu thụ của Việt Nam trong những năm tới là rất lớn, đặc biệt, theo dự báo, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và trước mắt là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ ở mức 7-8%, đồng nghĩa sản lượng gia tăng hàng năm của ngành điện phải đáp ứng tối thiểu 12-15%.

Và để giải quyết bài toán này thì bên cạnh các nguồn năng lượng truyền thống, việc phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của ngành điện!

Nguồn: Petrotimes.vn