Đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập trên địa bàn Bình Phước

Thứ hai, 26/6/2023 | 11:20 GMT+7
Mới đây, Tỉnh ủy Bình Phước ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo kế hoạch, tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp nhận thức đúng, đầy đủ về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.

Tỉnh ủy Bình Phước nhận định, đây là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài, liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Do đó, tỉnh xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp, ngành và người dân trong thực hiện công tác này; phát huy vai trò giám sát của người dân, cộng đồng; vai trò của MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong tuyên truyền, vận động nhân dân quản lý, chủ động tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước

Kế hoạch nêu rõ, Bình Phước sẽ phối hợp với các tỉnh trong vùng hưởng lợi từ hồ Dầu Tiếng chỉ đạo các đơn vị quản lý thủy điện trên địa bàn gồm Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Pu Miêng, Hồ Phước Hòa, các đơn vị được giao quản lý 73 công trình thủy lợi hiện hữu tổ chức kiểm tra đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước để xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước các hồ. Theo đó, các đơn vị cần kịp thời phát hiện, sửa chữa các hạng mục có dấu hiệu mất an toàn; hiện đại hóa hệ thống quan trắc, cảnh báo, cơ sở thông tin dữ liệu liên quan đến an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, kết nối với hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn để phục vụ quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy cũng chú trọng việc nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách; xây dựng các khuôn khổ hợp tác mới với các tổ chức, đối tác quốc tế, cũng như các cơ chế giải quyết tranh chấp, xung đột nguồn nước xuyên biên giới. Đẩy mạnh công tác ngoại giao về nước với các tỉnh của Vương quốc Campuchia có chung nguồn nước thông qua cơ chế đối thoại hòa bình hữu nghị trong cách tiếp cận quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả, bền vững nguồn nước xuyên biên giới, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tăng cường hợp tác ở các cấp.

Tham gia hợp tác có hiệu quả với các đối tác, tổ chức quốc tế về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, trong đó tập trung vào hợp tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai liên quan đến nước; hợp tác khoa học và công nghệ phục vụ dự báo, giám sát nguồn nước; giáo dục, đào tạo, nâng cao năng lực về an ninh nguồn nước. Quan tâm đến hệ thống sông trên địa bàn tỉnh giáp ranh với nước bạn Campuchia như sông Măng, sông Bé, sông Sài Gòn.

Về giải pháp cần triển khai trong thời gian tới, tỉnh yêu cầu nâng cao chất lượng quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước; chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; tăng cường bảo vệ môi trường, nguồn sinh thủy, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đảm bảo an ninh nguồn nước.

Tỉnh Bình Phước có đường biên giới chung với Campuchia dài hơn 260 km, nằm trên địa bàn các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập và Lộc Ninh tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Campuchia gồm Mondulkiri, Kratie và Tabong Khmum.

Thanh Bảo