02_Tintuc_NewsDetail -3Col

Diễn đàn Năng lượng Việt Nam: Hiện tại và tương lai!

Thứ năm, 4/5/2017 | 18:10 GMT+7
Sáng 4/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2017: Hiện tại và tương lai dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương - Ngô Đông Hải và PSG.TS Trần Đình Thiên.

 

Toàn cảnh Diễn đàn Năng Lượng

Tại diễn đàn, các vấn đề phát triển ngành năng lượng với mục tiêu bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng và sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường đã được tập trung trao đổi, thảo luận. 

Áp lực lớn cho nguồn cung

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, ngành năng lượng vốn là ngành hạ tầng, giữ vai trò cốt yếu cho quá trình công nghiệp hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Do đó, trong thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm và dành sự ưu tiên cao cho việc nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Trong 15 năm trở lại đây, mức tăng trưởng điện năng thương mại đã liên tục tăng cao và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Nhu cầu điện năng cũng tăng nhanh với mức 13% giai đoạn 2006 - 2010 và 11% trong 5 năm gần đây. Dự kiến, ít nhất trong 10 năm tới, nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng trên dưới 10%. Cụ thể, năm 2015, tổng năng lượng tiêu thụ năng lượng toàn quốc vào khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050 cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội với sản lượng cụ thể là đến năm 2020, nhu cầu năng lượng sẽ vào khoảng 100 - 110 triệu TOE và 310 - 320 triệu TOE vào năm 2030.

“Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn như nhu cầu năng lượng tăng cao, trong khi ràng buộc về môi trường ngày càng chặt chẽ và nặng nề hơn. Điều này một mặt gây áp lực cho việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, mặt khác tạo sức ép cho nền kinh tế trong việc huy động đủ nguồn vốn đầu tư cho ngành năng lượng” - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đang chuyển đổi từ nước xuất khẩu (XK) năng lượng sang nhập khẩu năng lượng. Nếu như trước đây, Việt Nam từng XK năng lượng, điện sang Campuchia, Lào; XK than lớn với đợt cao điểm lên đến 20 triệu tấn/năm thì từ năm 2016 đã nhập khẩu gần 10 triệu tấn than và mua điện từ Trung Quốc với thời điểm cao nhất lên đến 5 tỷ kWh. Hiện nay, sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc có giảm hơn, nhưng cũng đạt trên dưới 1 tỷ kWh/năm. Dự kiến, ta cũng sẽ phải nhập khẩu 17 triệu tấn than, chiếm khoảng 31% nhu cầu than cho phát điện năm 2020 và tăng mạnh hơn vào những năm sau đó.

Trước thực trạng trên, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - Ngô Đông Hải nhấn mạnh: "Trong xu thế phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay, chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam phải dựa trên 3 trụ cột: Đa dạng hóa các nguồn năng lượng thay thế nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về năng lượng của đất nước; tiến thẳng vào công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và sử dụng bền vững các nguồn năng lượng; khuyến khích sử dụng công nghệ mới, công nghệ tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu trong sản xuất và tiêu dùng".

Để giải quyết bài toán năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước, Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế chính sách theo hai cách tiếp cận, một là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hai là sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường để sản xuất năng lượng cho nhu cầu sử dụng. Cụ thể, đang chuyển đổi từ giai đoạn sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (NLTT), hướng tới một nền kinh tế cacbon thấp, thân thiện với môi trường.

Chia sẻ về lợi ích của các nguồn NLTT trong việc phát triển điện năng gắn với bảo vệ môi trường, ông Alejandro Montalban Carrasco - Trưởng ban Hợp tác và Phát triển của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho hay, phát triển NLTT là một trong những mục tiêu quan trọng của EU nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, thúc đẩy nghiên cứu đổi mới sáng tạo. Mục tiêu của EU là đến năm 2020 giảm phát thải khí nhà kính 20% so với năm 1990, tăng tỷ lệ NLTT lên 20%; tiết kiệm năng lượng 20%; đồng thời tăng tất cả các chỉ số này lên 40% vào năm 2030.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đầu tư cho NLTT không hề đơn giản, đặc biệt là suất đầu tư cao khiến giá điện ở mức cao. Ở thời điểm hiện nay, khi năng lượng mặt trời chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng sản lượng điện năng, yếu tố này ảnh hưởng không lớn đến giá điện, nhưng trong cân bằng dài hạn, đây sẽ là yếu tố có ảnh hưởng nhất định đến giá điện.

Sử dụng công nghệ hiện đại, phát triển nhiệt điện than bền vững

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chia sẻ, để đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế và đời sống, trong bối cảnh các nguồn điện năng từ thủy điện đã khai thác hết, điện hạt nhân đã dừng đầu tư, NLTT dù có tiềm năng nhưng mới chỉ khai một phần nhỏ, nguồn khí dần suy giảm, nhiệt điện than vẫn là nguồn điện quan trọng cho đất nước trong những năm sắp tới.

“Dù thời gian qua ta nghe nhiều về việc phát triển nhiệt điện than ảnh hưởng môi trường như thế nào? Liệu nhiệt điện than có hợp với nước ta không khi nhiều nước đã dừng nhiệt điện than? Tuy nhiên, với bối cảnh của nước ta, vấn đề không phải là có phát triển nhiệt điện than hay không mà làm sao phát triển nhiệt điện than vừa nhằm đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng, vừa không hủy hoại môi trường” - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nêu vấn đề.

PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - phân tích, dư luận đang lo ngại về nhiệt điện than nhưng với bối cảnh nền kinh tế hiện nay, phát triển nhiệt điện than là bắt buộc. Ở đây không phải điện than có làm hay không mà là công nghệ nào, cơ chế nào, lợi ích nào để đưa công nghệ vào ứng dụng? Làm được điều này, phải có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ hiện đại, ít phát thải bằng chính sách giá điện đủ hấp dẫn.

 

Trước những lo ngại nhiệt điện than là tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường, ông Nguyễn Tài Anh - Phó giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - làm rõ, các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than đều đã được xây dựng phương án xử lý khí thải, nước thải và chất thải rắn đúng theo quy định. Cụ thể, về xử lý khí thải, các dự án mới đưa vào vận hành và đang triển khai xây dựng sẽ được trang bị các hệ thống xử lý, bảo vệ môi trường đáp ứng các quy định hiện hành. Riêng các NMNĐ than cũ, EVN đã tiến hành rà soát, lập phương án cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý khí thải, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2018 - 2019.

Bên cạnh đó, toàn bộ NMNĐ đốt than của EVN đều được thiết kế, xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp để đạt được quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Các hệ thống xử lý nước thải tập trung được kiểm tra định kỳ, đảm bảo hiệu suất thiết kế. Để xử lý chất thải rắn, các NMNĐ than ở miền Bắc (Phả Lại, Uông Bí, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghi Sơn 1) đều đã có hợp đồng với đơn vị tiêu thụ toàn bộ tro xỉ. Các NMNĐ than miền Nam (Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1) cũng đã hoàn thành quy trình thu gom, vận chuyển và lưu giữ tro xỉ. Bãi xỉ được chia thành các ô lưu giữ và lắp đặt hệ thống tưới nước mạch vòng với các vòi phun tự động. Trong thời gian vừa qua, các công ty nhiệt điện miền Nam đã tích cực, chủ động làm việc với các đơn vị có khả năng tiêu thụ tro xỉ, đang chuẩn bị ký hợp đồng tiêu thụ tro xỉ dài hạn.

"Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường các nhà máy nhiệt điện than" - ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương nói và cho biết thêm, ngày 12 tháng 4 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Số 452/QĐ-TTg phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điên, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Theo đó, trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu các nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động phải lập Đề án xử lý, tiêu thụ tro xỉ trình Bộ Công Thương phê duyệt trước ngày 31/12/2018. 

Về phía các địa phương, ông Nguyễn Văn Được - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho hay, để phát triển nhiệt điện than mạnh hơn trong thời gian tới, yếu tố quan trọng là nhà sản xuất, nhà đầu tư phải quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường ngoài lợi nhuận. Thứ hai, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường việc quản lý các dự án. Thứ ba, khâu tuyên truyền cần được đẩy mạnh theo hướng không khen quá, không chê quá mà phải đi vào thực tế là công nghệ hiện nay có thể xử lý được các vấn đề về môi trường cho các dự án nhiệt điện than. Điều quan trọng là ý thức của doanh nghiệp và người sử dụng.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, thời gian tới, các nhà đầu tư, nhà tài trợ cũng yêu cầu công nghệ nhiệt điện than phải là công nghệ tới hạn, siêu tới hạn để đáp ứng yêu cầu về môi trường trong phát triển nhiệt điện than. Chính phủ cũng sẽ quan tâm đặc biệt đến vấn đề môi trường trong việc phát triển nhiệt điện than. Ít nhất trong 20 năm tới, nhiệt điện than vẫn là nguồn quan trọng trong bức tranh năng lượng thế giới.

Hiện Việt Nam có 20 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động, với tổng công suất lắp đặt khoảng 13.110MW. Tất cả các nhà máy nhiệt điện đang xây dựng và đã đi vào vận hành đều có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và

Nhóm PV