Quốc tế

Điện khí có thể gặp khó vì giá LNG tăng cao

Thứ sáu, 15/1/2021 | 11:30 GMT+7
Ngày 15/1, theo một báo cáo ngắn mới đây từ Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), các thị trường mới nổi như Việt Nam, Pakistan và Bangladesh đang chuyển sang sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để phát điện có khả năng bị ảnh hưởng bởi giá cả cao hơn và biến động hơn trong tương lai.

Tác giả của báo cáo, nhà phân tích LNG/khí đốt Bruce Robertson cho biết, các dự án nhà máy điện chạy bằng khí đốt và các kho cảng nhập khẩu LNG mới với tổng trị giá hơn 50 tỷ USD đứng trước nguy cơ cao bị hủy bỏ do các thị trường mới nổi khó có khả năng chi trả cho điện khí.

Robertson cho biết: “Giá LNG giao ngay tại châu Á đã tăng cao do nhu cầu sưởi ấm theo mùa lớn hơn dự kiến khi thời tiết lạnh giá đang bao trùm khắp các khu vực rộng lớn ở Bắc bán cầu. Sự gián đoạn nguồn cung ở: Malaysia, Australia và Mỹ, ba trong số các nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới cũng như giá cước vận chuyển cao hơn cũng đã ảnh hưởng đến giá cả”.

Theo hãng định giá S&P Global Platts, giá LNG trung bình cho đợt giao hàng tháng 2 năm 2021 tới khu vực Đông Bắc Á ước tính vào khoảng 21,45 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), tăng 47% so với tuần trước (14,60 USD (nguồn Reuters).

Theo Australian Financial Review, một lô LNG giao ngay mới đây từ dự án Gorgon ở Tây Australia đã được bán với “mức giá khó tin khoảng 37 USD/mmBtu, cao hơn 18 lần so với 6 tháng trước đây”.

Các dự án điện khí có thể gặp khó khăn vì giá LNG tăng cao

Robertson chỉ ra rằng, sự biến động giá LNG giao ngay gần đây đã dẫn đến việc Bangladesh và Pakistan hủy bỏ các đợt mời thầu. Giá LNG cao hơn và không ổn định sẽ làm cho các nhà máy điện đang vận hành bằng LNG tốn nhiều tiền hơn và trở nên khó đoán định hơn. Điều này có thể dẫn đến việc các nhà máy điện LNG hoạt động kém hiệu quả, đẩy giá khí và điện tăng cao hơn cho người tiêu dùng.

Theo Robertson, đợt tăng giá LNG giao ngay gần đây có thể là dấu hiệu báo trước cho việc giá khí đốt sẽ cao hơn và bất ổn hơn trong tương lai, kết quả có thể sẽ là có ít giá hợp đồng phải chăng hơn.

Robertson nói: “Trong khi giá hợp đồng khí đốt ở mức thấp và tương đối ổn định trong những năm gần đây, điều này khó có thể kéo dài. Với việc phải khoan xuống sâu hơn, sự bất ổn tài chính trong ngành dầu khí và mức đầu tư thấp, rất có thể chúng ta đang đối mặt với một kỷ nguyên mới với giá cả cao hơn và nhiều biến động hơn”.

Robertson cho biết giá dầu, yếu tố mà nhiều hợp đồng khí đốt lấy làm cơ sở, đã ở mức thấp đáng kể trong một thời gian dài. Nếu nền kinh tế toàn cầu phục hồi trở lại sau cuộc khủng hoảng COVID-19, giá hợp đồng khí đốt từ Australia, Qatar và từ các nước xuất khẩu lớn khác có thể sẽ cao hơn đáng kể.

Theo Robertson, đối với các công ty điện lực châu Á, điều này có thể có nghĩa là các nhà máy điện sử dụng LNG của họ sẽ không được sử dụng trong năm tới.

“Các thị trường mới nổi như Pakistan và Bangladesh... với các dự án điện khí trị giá hơn 50 tỷ USD sẽ đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ do không thể đáp ứng được giá LNG tăng cao. Sự biến động mạnh của giá giao ngay cộng với sự bất ổn ngày càng tăng của giá hợp đồng sẽ biến nhiều dự án trở nên không khả thi. Cuối cùng, sự bất ổn cũng sẽ lan sang khách hàng sử dụng điện, những người cũng sẽ nhìn thấy nguy cơ giá điện tăng.

Các nước châu Á nên coi năng lượng tái tạo vốn đang giảm giá là một nguồn năng lượng thay thế rẻ hơn, dễ dự đoán hơn cho LNG", vị chuyên gia chia sẻ.

Lan Anh