Kinh tế xanh

Định hướng phát triển Thủ đô bền vững

Thứ hai, 13/2/2023 | 10:51 GMT+7
Ngày 12/2, tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề "Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và bền vững", lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chia sẻ về định hướng phát triển thành phố trong tương lai.

Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, với vai trò là đầu tàu, là hạt nhân có tính chất lan tỏa của vùng nói riêng và khu vực Bắc Bộ nói chung trên hầu hết các lĩnh vực, Thủ đô Hà Nội xác định trọng trách, trách nhiệm của mình đối với phát triển vùng và cả nước, cùng các tỉnh, thành phố trong vùng quyết tâm phấn đấu tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch tại địa phương mình, đặc biệt chú ý đến tính kết nối không gian, liên kết phát triển.

Trong đó, phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch mang tầm khu vực và quốc tế. Liên kết, hợp tác thương mại bắt đầu từ các giải pháp đồng bộ như quy hoạch phát triển thương mại toàn vùng Thủ đô và từng địa phương, nghiên cứu thành lập trung tâm xúc tiến thương mại quốc tế tại Hà Nội để hỗ trợ các địa phương phát triển và liên kết thương mại.

Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch mang tầm khu vực và quốc tế

Về thể chế, chính sách, Hà Nội phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng và tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tập trung đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, quốc tế gồm: hành lang kinh tế Bắc - Nam; hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Hình thành chuỗi đô thị Bắc sông Hồng (thành phố trong thành phố) kết nối thành vòng cung từ Việt Trì, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Móng Cái tạo thành hành lang kinh tế Bắc Bộ với đô thị lõi phía bắc Hà Nội (Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh), trong tương lai đảm nhiệm vai trò đầu tàu thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế này.

Về du lịch, hình thành các cụm, chuỗi liên kết du lịch vùng nhằm khai thác có hiệu quả cao tài nguyên du lịch rất phong phú của toàn vùng, bao gồm việc các tỉnh, thành phố tích cực tham gia xây dựng chiến lược phát triển du lịch, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng, lập chương trình và các dự án phát triển du lịch, đầu tư thực hiện các dự án có quy mô và ý nghĩa toàn vùng để tích hợp vào quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng và quy hoạch các tỉnh, thành phố đang được nghiên cứu xây dựng. Liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác như ngành văn hóa, thương mại và phát triển cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt, thành phố sẽ coi văn hóa như là động lực phát triển của cả vùng, trong đó Thủ đô Hà Nội là hạt nhân, trung tâm hội tụ, lan tỏa. Hà Nội phải trở thành địa phương sáng tạo đặc thù, có những đặc trưng riêng, thể hiện bản sắc, tiêu biểu về văn hóa - lịch sử.

Về nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hà Nội chủ trương phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, hướng tới lựa chọn đối tác tin cậy, có năng lực trước khi thực hiện xây dựng vùng liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng vùng liên kết.

Minh Khang