Đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến than - khoáng sản

Thứ hai, 28/10/2019 | 14:39 GMT+7
Bộ Công Thương vừa tổ chức hội nghị “Định hướng hoạt động khoa học công nghệ phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến than - khoáng sản đến năm 2025” tại Quảng Ninh.

Hội nghị là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp cùng trao đổi, đánh giá những kết quả đã đạt được, khó khăn, tồn tại và định hướng hoạt động cho giai đoạn tới nhằm thực hiện mục tiêu của đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 22/2/2017.

Tại hội nghị, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) giới thiệu một số nội dung chính và định hướng lớn triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản giai đoạn 2021 - 2025. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Viện khoa học công nghệ mỏ - Vinacomin đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản tại Tập đoàn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng nghiên cứu phát triển công nghệ thực hiện nhiệm vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong lĩnh vực than - khoáng sản giai đoạn 2021 - 2025.

Các doanh nghiệp sản xuất cũng có các tham luận về ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp; nêu các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn sản xuất đòi hỏi phải nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tế góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản.

Hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến than - khoáng sản

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá cao các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các nội dung đổi mới, hiện đại hóa công nghệ tại các doanh nghiệp. Việc đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ tại các doanh nghiệp cơ bản phù hợp với mục tiêu, định hướng đã phê duyệt trong đề án góp phần tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao năng lượng, giảm chi phí sản xuất, cải thiện điều kiện lao động, an toàn và môi trường, giảm bệnh nghề nghiệp, giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản. Đã xác lập được nhiều giải pháp, công nghệ phù hợp, làm cơ sở khoa học để các doanh nghiệp thực hiện đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến, tăng cường chế biến sâu khoáng sản.

Thứ trưởng ghi nhận các đề xuất, kiến nghị trong nghiên cứu, đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng; đồng thời chỉ đạo các Tập đoàn, tổ chức khoa học và công nghệ; doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản trong thời gian tới cần bám sát nội dung của đề án theo Quyết định số 259/QĐ-TTg, nhằm tăng cường các nhiệm vụ phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ cho các mỏ khai thác, cơ sở chế biến, có khả năng áp dụng vào thực tế, gắn với các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, có sự đóng góp kinh phí của các doanh nghiệp áp dụng kết quả nghiên cứu; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chế biến khoáng sản tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Thứ trưởng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản phối hợp chặt chẽ với Vụ Khoa học Công nghệ để xác định đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phù hợp để tham gia Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2025; cân đối, bố trí nguồn kinh phí đối ứng phù hợp từ nguồn quỹ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để phối hợp thực hiện, ứng dụng và nhân rộng kết quả nghiên cứu trong các dự án đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

PV