Kinh tế xanh

Đồng Nai phát triển thương hiệu gỗ Việt Nam

Thứ ba, 1/3/2022 | 11:59 GMT+7
Để tiếp tục đạt mục tiêu mới trong năm 2022 cũng như phát triển thương hiệu gỗ Việt Nam, tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, thiết thực.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai, năm 2021 dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp, hiệp hội, các cơ quan quản lý vẫn duy trì, thúc đẩy sản xuất 3 tại chỗ, bảo đảm an toàn cho người lao động; linh hoạt tìm kiếm, mở rộng thị trường... nên hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của tỉnh Đồng Nai vẫn đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, trong năm qua, toàn tỉnh với gần 1.500 cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ đã cung cấp các sản phẩm gỗ đa dạng, đáp ứng được thị hiếu khách hàng. Các sản phẩm chủ yếu là các mặt hàng nội, ngoại thất và đồ mỹ nghệ, không chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia, tập trung chủ yếu ở thị trường Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Australia, Canada…

Qua đánh giá, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản tỉnh Đồng Nai phát triển rất năng động. Trong năm 2021, tỉnh Đồng Nai xếp vị trí thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu gỗ (sau Bình Dương) với giá trị 1,86 tỷ USD, tăng 10,8% so năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của tỉnh tiếp tục đạt và vượt chỉ tiêu, tạo động lực thúc đẩy hình thành trung tâm chế biến, giao thương, phân phối các sản phẩm gỗ từ chế biến thô đến phức tạp, tinh xảo, đa dạng và chất lượng.

Ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản tỉnh Đồng Nai phát triển năng động

Bên cạnh đó, tính chung trong năm 2021, giá trị sản xuất lâm nghiệp của địa phương đạt 1.774 tỷ đồng, tăng 1,95% so với năm 2020. Các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được duy trì, tăng cường và không xảy ra cháy rừng.

Công tác trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt 3.460ha, đạt 99,7% kế hoạch, đồng thời trồng được 1,746 triệu cây theo đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ; chuyển 2.642ha rừng trồng cây keo lai sang kinh doanh gỗ lớn; sản lượng gỗ khai thác đạt 312 nghìn m3.

Với những kết quả đạt được trên, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2022, Sở kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của tỉnh đạt trên 2 tỷ USD, tăng 10% so năm 2021. Tiếp tục chú trọng các mặt hàng chủ lực như: sản phẩm gỗ nội thất, ngoại thất vào các thị trường tiềm năng từ trước, cũng như phấn đấu vừa tiêu thụ các sản phẩm ở thị trường trong nước và mở rộng sang các thị trường khác.

Hơn nữa, tổ chức xây dựng sàn giao dịch gỗ điện tử, bán hàng trực tiếp qua sàn giao dịch nhằm góp phần nâng cao giá trị gia tăng và thương hiệu sản phẩm gỗ Việt.

Theo đó, Sở NN&PTNT Đồng Nai nhấn mạnh sẽ tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm, nhất là các hoạt động mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại; duy trì chính sách nhập khẩu thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu cũng như có chính sách đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp; tăng cường trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đang tăng trưởng cao.

Ngoài ra, cần tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Trong đó, ưu tiên triển khai các chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề, đảm bảo cung ứng nhân lực cho ngành sản xuất, chế biến gỗ; hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề trong việc đào tạo thiết kế nội, ngoại thất.

Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đề nghị, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí, giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tăng cường hợp tác, tạo lập và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng; chú trọng xây dựng thương hiệu Việt cho các sản phẩm xuất khẩu.

Lam An