Môi trường (old)

Đức hỗ trợ Việt Nam giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia

Thứ sáu, 2/11/2018 | 11:24 GMT+7
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phối hợp với Đại sứ Quán Đức tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án Hỗ trợ các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia tại Việt Nam (Dự án NAMA). Kết quả nổi bật nhất của dự án là đã hỗ trợ xây dựng các đóng góp của Việt Nam cho những nỗ lực toàn cầu về biến đổi khí hậu, thể hiện qua Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động triển khai NDC cấp quốc gia.

Thời gian qua, Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cùng với các đối tác phát triển khác đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng các văn bản quan trọng liên quan tới ứng phó biến đổi khí hậu như Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Mới đây nhất, Bộ TN&MT đang phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, cập nhật báo cáo NDC cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội tại Việt Nam đồng thời chuẩn bị thông tin cho Đánh giá nỗ lực toàn cầu năm 2019.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, Dự án NAMA đã đóng góp rất lớn vào quá trình xây dựng chính sách BĐKH tại Việt Nam. Dự án gồm có 5 hợp phần chính, tập trung vào tăng cường năng lực quản lý nhà nước của Bộ TNMT trong việc phối hợp và tư vấn xây dựng và thực hiện NAMA tại Việt Nam, hỗ trợ xây dựng đề xuất NAMA cho 2 ngành cụ thể (giao thông công cộng bền vững và tiết kiệm năng lượng cho ngành dệt may), xây dựng Cổng thông tin theo dõi đánh giá NDC – NDC Portal), hỗ trợ tăng cường năng lực đàm phán khí hậu cho Việt Nam và hỗ trợ xây dựng Đóng góp quốc gia tự quyết định NDC và rà soát, cập nhật NDC. Dự án cũng nhằm mục tiêu nâng cao năng lực của Bộ TNMT trong điều phối Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris. Ngoài ra, Dự án đã giúp quản lý và điều phối hoạt động trong khuôn khổ Sáng kiến Khí hậu toàn cầu của Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam.

 “Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu khí hậu nhiều kỳ vọng để đóng góp một cách phù hợp cho Thỏa thuận Paris về khí hậu toàn cầu. Dự án NAMA rất quan trọng trong việc hỗ trợ xây dựng các mục tiêu và chính sách tương ứng, chuẩn bị cho việc thực hiện chúng. Sự hỗ trợ tiếp tục giúp Việt Nam củng cố vị thế của mình trong chính sách khí hậu quốc tế” - Thứ trưởng khẳng định.

Theo ông Jörg Rüger, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đạt được những cột mốc quan trọng trong chính sách khí hậu trong những năm qua.  Ở cấp độ chung nhất, các hoạt động về NDC đã đưa ra hướng dẫn và khuôn khổ cần thiết cho một bức tranh toàn thể rộng lớn hơn.

Bên cạnh đó, Dự án đã xác định các cơ cấu và hệ thống thể chế phù hợp nhất nhằm thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các hành động giảm nhẹ phù hợp với điều kiện quốc gia. “NAMA Xe buýt các bon thấp” nhằm phát triển cơ sở hạ tầng xe buýt thân thiện với khí hậu cho các thành phố lớn. “NAMA cho ngành dệt may” tập trung áp dụng các biện pháp sử dụng hiệu quả năng lượng và pin điện mặt trời trên mái nhà trong ngành công nghiệp dệt may. Tiềm năng giảm khí nhà kính tích lũy có thể lên tới 17 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030.

“Chính phủ Đức mong muốn tiếp tục hợp tác thành công với Việt Nam, là hai đối tác tham vọng với mục tiêu chung là ứng phó với biến đổi khí hậu như đã thỏa thuận trong Hiệp định Paris”, ông Jörg Rüger nhấn mạnh.

Một kết quả quan trọng khác của dự án NAMA là xây dựng thành công khung giám sát theo dõi các kết quả trong chính sách khí hậu của tất cả các ngành và các bộ liên quan. “Công cụ này cho phép Việt Nam theo dõi một cách có hệ thống các mục tiêu và chính sách biến đổi khí hậu quốc gia. Công cụ cũng cho phép một sự phối hợp liên bộ hiệu quả”. Anna Pia Schreyögg, Cố vấn trưởng của dự án NAMA, GIZ Việt Nam cho biết.

Dự án NAMA do Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (Bộ TN&MT) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ phối hợp thực hiện từ năm 2014 -  2018. Kinh phí viện trợ không hoàn lại là 4,6 triệu Euro do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức tài trợ trong khuôn khổ Sáng kiến khí hậu quốc tế.

Tuấn Kiệt