Đức nghiên cứu vật liệu xây dựng thích ứng với khí hậu Việt Nam

Thứ sáu, 1/11/2019 | 11:17 GMT+7
Việt Nam đang có sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, kèm theo đó là lối sống và nhu cầu của người dân cũng dần thay đổi theo các loại hình xây dựng mới với vật liệu, công trình đáp ứng đòi hỏi khắt khe về tiết kiệm năng lượng, bền vững.

Mới đây, trong Ngày Khoa học Đức, các Đối tác quốc tế về Đổi mới bền vững (CLIENT II) đã trình bày dự án hợp tác Đức – Việt CAMaRSEC hỗ trợ triển khai và phát triển hơn nữa các hoạt động xây dựng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên đi kèm với bền vững. Dựa trên phân tích các vấn đề liên ngành, nghiên cứu cơ bản, cơ sở hạ tầng hiệu quả cho nghiên cứu; xác định giá trị đặc trưng; đào tạo, giáo dục và chuyển giao kết quả khoa học vào thực tiễn quy hoạch, xây dựng ở Việt Nam, các đối tác tin rằng dự án sẽ giúp ngành vật liệu xây dựng Việt Nam phát triển hơn nữa.

Đại diện của dự án CAMaRSEC trình bày tại Ngày Khoa học Đức tại Hà Nội

Sự phát triển kinh tế nhanh chóng ở Việt Nam dẫn đến sự thay đổi về lối sống cũng như nhu cầu của người dân. Trong đó, các loại hình xây dựng mới liên quan đến vật liệu, công trình xây dựng và hệ thống cung cấp trước đây không phổ biến hiện đang được đưa vào sử dụng.

Nhu cầu về sự thoải mái và tiện lợi thay đổi dẫn đến sự chênh lệch giữa nhiệt độ phòng với bên ngoài cũng tăng lên, đồng nghĩa với yêu cầu mới về vật liệu tiếp xúc phải đảm bảo điều kiện bên trong mát mẻ và bên ngoài nóng, ẩm ở Việt Nam. Do vậy, các vật liệu và hệ thống xây dựng ở Việt Nam đang dần thay đổi, điển hình như loại gạch không nung như bê tông và khối bê tông tổ ong thay thế cho gạch đất nung được tăng cường sử dụng trong xây dựng các tòa nhà dân cư hiện đại nhằm giảm nhu cầu năng lượng và tác động môi trường từ việc sản xuất và tiêu thụ đất nông nghiệp để khai thác đất sét.

Nhận thấy ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam còn thiếu kiến thức về đặc tính xây dựng cũng như khả năng sử dụng vật liệu, CAMaRSEC đã nghiên cứu và thiết lập một khung quản trị hiệu quả nhằm thúc đẩy xây dựng bền vững tại Việt Nam. Cụ thể, dự án đưa ra kế hoạch thực hiện một phòng thí nghiệm vật lý kiến trúc và một khu vực thử nghiệm ngoài trời về sự phong hóa vật liệu. Điều này cũng đồng thời hỗ trợ việc giới thiệu hệ thống kỹ thuật tiên tiến quốc tế cho hoạt động xây dựng bền vững và tiết kiệm năng lượng trong nước.

Cơ sở thí nghiệm vật liệu xây dựng ngoài trời mới của Viện Vật lý Kiến trúc Fraunhofer, Holzkirchen

CAMaRSEC thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả và phát triển hơn nữa các tiêu chuẩn xây dựng, theo đó đóng góp hiệu quả cho các hoạt động xây dựng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và thực hành xây dựng bền vững ở Việt Nam.

“Các hoạt động của dự án được liên kết chặt chẽ với kế hoạch xây dựng cơ sở thử nghiệm vật lý kiến trúc được tài trợ bởi Bộ Xây dựng với đối tác dự án là Viện Vật liệu Xây dựng; kế hoạch của Đại học Xây dựng và Đại học Tôn Đức Thắng để phát triển các chương trình nghiên cứu về năng lượng – xây dựng hiệu quả và bền vững cũng như đào tạo công nhân xây dựng tại trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị”, Tiến sĩ Dirk Schwede, Đại học Stuttgart (Đức), chủ dự án CAMaRSEC cho biết.

Cũng theo ông, dự án hy vọng sẽ được đóng góp cho cuộc cách mạng sử dụng tiết kiệm tài nguyên và năng lượng toàn cầu trong ngành xây dựng ở khu vực nhiệt đới, đặc biệt là Việt Nam với sự phát triển không ngừng về kinh tế xã hội.

Huyền Dung