Kinh tế xanh

Gắn phát triển kinh tế với giảm ô nhiễm môi trường tại Bình Phước

Thứ tư, 14/6/2023 | 11:06 GMT+7
Xác định không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, Bình Phước đã và đang triển khai nhiều mô hình, dự án tái chế, xử lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường.

Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp, một khu kinh tế cửa khẩu và nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ cùng hàng trăm trang trại chăn nuôi… đã ít nhiều tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, tỉnh xác định không vì khó quản lý mà đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.

Bình Phước được biết đến là tỉnh của cây công nghiệp, trong đó diện tích cao su là hơn 245.000ha, cho sản lượng khoảng 400.000 tấn/năm. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả kinh tế, hoạt động chế biến mủ cao su của các cơ sở sản xuất đã gây ô nhiễm không khí và nguồn nước.

Mặt khác, toàn tỉnh hiện có hơn 300 doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn đang hoạt động. Các trang trại chăn nuôi được cấp phép đều thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải bảo đảm giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành có nơi vẫn để xảy ra sự cố về môi trường, do đó ngành tài nguyên và môi trường thường xuyên thanh tra, kiểm tra và yêu cầu các trang trại khắc phục sự cố, giảm mùi hôi phát sinh.

Bình Phước gắn phát triển kinh tế với giảm ô nhiễm môi trường

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, tỉnh hướng đến mục tiêu kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải và phụ phẩm nông nghiệp. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang cụ thể hóa trong xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn xử lý chất thải và phụ phẩm nông nghiệp; xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, khép kín, đa giá trị; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện thu gom, lưu trữ và vận chuyển bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất phát tán ra môi trường.

Bình Phước cũng đang tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng mạnh về công nghiệp - xây dựng. Đồng thời triển khai 9 nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp và nguy hại (trong đó có một nhà máy đang xây dựng) với tổng công suất 5.000 tấn/ngày để xử lý các loại rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại trong quá trình cộng nghiệp hóa.

Đặc biệt, để đảm bảo việc kiểm soát chất thải công nghiệp, tỉnh Bình Phước đã lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống quan trắc, lấy mẫu tự động nước, khí thải, đem lại hiệu quả lớn về môi trường cũng như kinh tế.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước Võ Văn Dinh, hệ thống quan trắc tự động hoạt động liên tục 24/7, tần suất truyền dữ liệu 5 phút/lần đã giúp kiểm soát chất lượng nguồn thải tại các khu công nghiệp và các nguồn thải lớn; trong đó, hệ thống quan trắc các thông số nước thải kiểm soát 22 nguồn thải; hệ thống quan trắc các thông số khí thải kiểm soát 17 nguồn thải. Khi dữ liệu quan trắc truyền về đơn vị vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì hệ thống quan trắc tự động sẽ phát tín hiệu cảnh báo.

Từ đó, cơ quan chuyên môn sẽ nhắc nhở và yêu cầu doanh nghiệp khắc phục ngay sự cố, không để thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật thải ra môi trường. Nếu quá thời gian quy định mà doanh nghiệp vẫn chưa khắc phục, cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm theo quy định. Hệ thống quan trắc góp phần giảm thiểu và phòng tránh sự cố môi trường từ các nguồn thải lớn gây ra, giảm nhân lực kiểm tra, giám sát và giảm được những cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Hiện nay, các doanh nghiệp tại Bình Phước cũng chung tay xử lý chất thải công nghiệp để bảo vệ môi trường. Điển hình như Nhà máy xi măng Bình Phước đã có cải tiến trong công nghệ, biến rác thải thành nhiên liệu: tro, xỉ rồi tận dụng làm nguyên liệu trong quá trình tạo clinker để sản xuất xi măng (quá trình đồng xử lý).

Sau khi thành công trong việc đồng xử lý chất thải công nghiệp, nhà máy đang tiến hành xây dựng quy trình đưa chất thải nguy hại vào sản xuất clinker; góp phần tích cực vào công cuộc chung tay với cộng đồng, xã hội bảo vệ môi trường sống.

Theo nhandan.vn