Nông nghiệp sạch

Hợp tác quốc tế trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU

Thứ tư, 31/1/2024 | 16:07 GMT+7
Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa làm việc với đối tác quốc tế về các giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế trong thực thi pháp luật thủy sản, bảo tồn biển, đồng quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển thủy sản bền vững.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng, buổi làm việc là cơ hội để tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài nước. Cục Kiểm ngư kỳ vọng có thể xây dựng mối liên kết chặt chẽ, hữu ích giữa các bên liên quan, đồng thời nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật thủy sản, đào tạo một đội ngũ chuyên gia có kỹ năng và kiến thức đồng đều về thủy sản.

Ông Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh, việc triển khai các mô hình cụ thể như quỹ tái tạo và quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mô hình đồng quản lý hỗ trợ cộng đồng cư dân ven biển sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Việt Nam đã tham gia nhiều diễn đàn quốc tế về phòng chống IUU và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ các công cụ của ASEAN và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã giúp Cục Kiểm ngư cập nhật kịp thời các thông tin và biện pháp để chống khai thác IUU, đóng góp tích cực vào nỗ lực toàn cầu về bảo tồn hệ sinh thái bền vững.

Các đại biểu tham gia buổi làm việc

Theo bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Trưởng phòng Khoa học công nghệ - Hợp tác quốc tế, Cục Kiểm ngư, việc hợp tác quốc tế góp phần mở rộng việc trao đổi thông tin để thực thi pháp luật và chống khai thác IUU. Vì vậy, mong các đối tác sẽ hợp tác chặt chẽ để triển khai, tuyên truyền Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng (PSMA), tập trung vào việc kiểm soát tính hợp pháp của sản phẩm có nguồn gốc từ khai thác qua đường container để đảm bảo rằng sản phẩm thủy sản nhập khẩu đáp ứng đầy đủ quy định và yêu cầu về nguồn gốc.

Cục Kiểm ngư còn thông tin về việc triển khai thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản trong năm 2024. Quy hoạch nhằm mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái đến năm 2030 để đảm bảo diện tích các vùng biển, ven biển đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam. Hướng đến triển khai xây dựng lượng giá trị các hệ sinh thái biển và đánh giá hiệu quả quản lý thông qua bộ chỉ số. Định mức kinh tế kỹ thuật về đầu tư cho các khu bảo tồn biển Việt Nam sẽ giúp tối ưu hóa sử dụng nguồn lực và đảm bảo bền vững.

Đại diện từ Đại sứ quán một số nước tại Việt Nam, tổ chức quốc tế đánh giá cao những đề xuất của Cục Kiểm ngư trong lĩnh vực thực thi pháp luật, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, các đại diện quốc tế hoan nghênh định hướng của Cục Kiểm ngư nói riêng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói chung về đồng quản lý trong vấn đề khai thác, phục hồi, bảo vệ tài nguyên biển. 

Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, Nhật Bản đang phối hợp với Việt Nam xây dựng phi dự án viện trợ chuyên dùng cho 4 tàu kiểm ngư mà Nhật Bản đã tài trợ để phục vụ hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng kiểm ngư. Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn chế, ông kêu gọi các đối tác quốc tế xem xét, lồng ghép hoạt động này của Nhật Bản vào các gói hỗ trợ liên quan về nâng cao năng lực.

Ông Ryan E. McKean, Giám đốc chương trình INL, Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nhấn mạnh công tác quản lý cơ sở dữ liệu là yếu tố chủ chốt để đảm bảo phát triển nguồn lợi thủy sản hiệu quả nhất…

Bảo Ngọc (T/H)