Kinh tế xanh

Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển

Thứ tư, 20/5/2020 | 16:20 GMT+7
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, với mục tiêu thúc đẩy đồng bộ, trọng điểm các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế.

Về hợp tác quốc tế, đề án nêu ra 6 nhiệm vụ chính, bao gồm: Quản trị biển và đại dương, quản lý tổng hợp vùng bờ; Phát triển kinh tế biển, ven biển; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; Bảo vệ môi trường biển, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thông tin tuyên truyền.

Đặc biệt, để phát triển kinh tế biển, đề án nêu rõ phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo. Trong đó chú trọng phát triển du lịch tàu biển và hệ thống cảng biển du lịch quốc tế, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế; phát triển các tuyến du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ kết hợp với dịch vụ biển khác.

Bên cạnh du lịch, ngành dịch vụ vận tải logistics cũng cần được nâng cao. Phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, đặc biệt các cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, khoáng sản, năng lượng tái tạo... Tăng cường mối liên kết chuyên ngành giữa các cảng lớn trong nước với các cảng khu vực và quốc tế.

Cần chú trọng nâng cao các ngành mũi nhọn để phát triển bền vững kinh tế biển

Trong lĩnh vực dầu khí và khoáng sản, Chính phủ khuyến khích nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh cung cấp dịch vụ dầu khí, tiến hành có hiệu quả các hoạt động đầu tư về dầu khí ở nước ngoài. Điển hình như xây dựng hệ thống mạng lưới tuyến đường ống vận chuyển dầu khí dưới biển để tăng tính kết nối nội địa, từng bước kết nối vào mạng lưới đường ống khu vực, nhất là với các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan.

Tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhất là các giống loài thủy sản quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng; nghiên cứu ngư trường phục vụ quy hoạch phát triển các ngành, nghề thủy sản hiệu quả cao, bền vững; nghiên cứu tham gia các hiệp định nghề cá khu vực và thế giới.

Các lĩnh vực kinh tế hàng hải, du lịch biển, thủy hải sản, y học biển rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao ở cả trong và ngoài nước. Do vậy, cần thiết phải đào tạo, thu hút, hình thành đội ngũ chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia khoa học đầu ngành, cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao về tài nguyên, môi trường biển.

Có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt Nam tham gia vào các tổ chức khoa học công nghệ biển quốc tế nhằm phát triển bền vững kinh tế biển.
 

Theo Baochinhphu.vn