Bất động sản

Hưng Yên quy hoạch khu đô thị sinh thái, thông minh gần 7.200 ha

Thứ ba, 4/1/2022 | 11:17 GMT+7
Phạm vi lập quy hoạch chung đô thị Văn Giang được thực hiện trong địa giới hành chính của huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 7.194,82 ha. Khu vực lập quy hoạch bao gồm 1 thị trấn và 10 xã, tổng dân số khoảng 123.480 người.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị thẩm định quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch chung, đô thị Văn Giang sẽ có tính chất của một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục của khu vực; là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Hưng Yên quy hoạch khu đô thị sinh thái, thông minh gần 7.200 ha

Về định hướng phát triển không gian, đô thị Văn Giang sẽ được chia thành 3 phân vùng. Đó là vùng đô thị hóa tập trung, các vùng đệm xung quanh (phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, logistic, thương mại, dịch vụ...) và vùng bãi ngoài đê gắn với các khu dân cư hiện hữu được cải tạo, nâng cấp.

Bên cạnh đó, đô thị Văn Giang cũng sẽ có 6 phân khu quản lý phát triển đô thị. Một là phân khu đô thị - du lịch - nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí có diện tích 831 ha với dân số dự kiến đến năm 2040 khoảng 28.000 người. Hai là phân khu đô thị - thương mại - dịch vụ gắn với ga đường sắt nội vùng diện tích 664 ha, dân số dự kiến 19.000 người. Ba là phân khu đô thị - công nghiệp sạch và dịch vụ logistic với diện tích 1.473 ha, dân số dự kiến 39.000 người. Bốn là phân khu đô thị - nông nghiệp - sinh thái có diện tích 1.248 ha, dân số dự kiến 49.600 người. Năm là các phân khu đô thị với diện tích 2.852 ha, dân số dự kiến 227.400 người. Sáu là hành lang bảo vệ đê diện tích 126 ha...

Về cơ bản, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với các nội dung của đồ án quy hoạch, trong đó nhấn mạnh hồ sơ đồ án đảm bảo theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, cơ bản thực hiện theo yêu cầu của nhiệm vụ, có tiếp thu và giải trình ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành. Hội đồng thẩm định đồng thời đóng góp một số ý kiến cho địa phương và đơn vị tư vấn bổ sung, hoàn thiện đồ án quy hoạch chung tốt hơn.

Thủy Quỳnh (t/h)