Sức khỏe

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Thứ năm, 12/1/2023 | 16:23 GMT+7
Việc nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là nhiệm vụ quan trọng, là đích hướng tới của các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Để nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trước hết, người dân cần được tạo điều kiện tiếp cận với các cơ sở y tế và sử dụng nhiều loại dịch vụ khám, chữa bệnh. Theo đó, ngành bảo hiểm xã hội và ngành y tế đã thiết lập hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế rộng khắp. Hiện cả nước có gần 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thông suốt từ tuyến Trung ương đến các xã, phường, thị trấn nên người dân tham gia chính sách có thể đến bất kỳ cơ sở nào gần nơi cư trú, học tập, làm việc để thực hiện khám, chữa bệnh. Cùng với việc mở rộng mạng lưới cơ sở y tế, các cơ quan chức năng còn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân.

Qua thống kê, hơn 94% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã áp dụng quy trình tiếp đón bệnh nhân dùng thẻ bảo hiểm y tế điện tử (bằng căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VssID) làm thủ tục khám, chữa bệnh, qua đó hạn chế nhầm lẫn, sai sót thông tin, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên.

Trong quá trình khám, chữa bệnh, bệnh nhân bảo hiểm y tế được sử dụng hàng nghìn dịch vụ, kỹ thuật và được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả phần lớn chi phí.

Nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, năm 2022, số lượng bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố tăng 24,9%, chi phí tăng 20,8% so với năm 2021. Số tiền chi bảo hiểm y tế cả năm vừa qua là hơn 19.169 tỷ đồng, bằng 101,78% so với dự toán. Mức chi bình quân 8,1 triệu đồng/lượt nội trú, gần 600.000 đồng/lượt ngoại trú.

Ông Phan Văn Mến chia sẻ, để tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, ngoài những giải pháp đã triển khai, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động phối hợp với ngành y tế nhằm đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số nơi; đồng thời tháo gỡ vướng mắc trong thanh, quyết toán bảo hiểm y tế.

Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho biết, từ ngày 1/1/2023, ngành bảo hiểm xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng áp dụng hiệu quả quy trình giám định bảo hiểm y tế mới; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm hoặc trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 9/1/2023, với nhiều nội dung được điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tiễn. Theo đó, Luật mới được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, chặt chẽ, linh hoạt để các cơ quan nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh nói chung và khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nói riêng.

Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc cường truyền thông về chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế và kỷ niệm Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam. Công văn nêu rõ ngành y tế sẽ tiếp tục truyền thông, tuyên truyền về chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế; khuyến khích, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; động viên và nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác bảo hiểm y tế và cán bộ, nhân viên ngành y tế.

Các hoạt động tuyên truyền bao gồm tổ chức treo các băng rôn, biểu ngữ tuyên truyền về bảo hiểm y tế với các thông điệp như: nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân; tham gia bảo hiểm y tế để chăm lo sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng; tham gia bảo hiểm y tế là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức và cả cộng đồng; bảo hiểm y tế là chính sách an sinh xã hội, do nhà nước tổ chức thực hiện; thực hiện bảo hiểm y tế hộ gia đình để chăm sóc sức khỏe cho mọi thành viên trong gia đình.

Ngọc Huyền (T/H)