Nông nghiệp sạch

Nông nghiệp Việt Nam 4.0: Chìa khoá tiếp cận thị trường châu Âu thời EVFTA

Thứ sáu, 20/9/2019 | 09:00 GMT+7
Với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu nông sản đã qua kiểm định chất lượng, an toàn, có thể truy nguyên từ Việt Nam sang thị trường châu Âu, Diễn đàn Nông nghiệp bền vững EU – Việt Nam – Nông nghiệp 4.0: Chìa khoá tiếp cận Thị trường châu Âu đã diễn ra tại Hà Nội ngày 19/09/2019.

Sự kiện do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNN) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức thu hút các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách đến nông dân, nhà xuất khẩu, nhà thu mua, doanh nghiệp châu Âu chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và đề xuất các giải pháp tân tiến nhằm nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Chủ tịch EuroCham, ông Nicolas Audier cho biết ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ là một trong những ngành được nhiều lợi ích nhất từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), vì việc giảm thuế sẽ làm tăng nhu cầu và thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường tiêu dùng lớn, chi tiêu cao của Châu Âu. "Tuy nhiên, EU có tiêu chuẩn rất cao về nhập khẩu thực phẩm. Vì vậy, việc các doanh nghiệp châu Âu và các nhà sản xuất Việt Nam kết hợp với nhau, học hỏi lẫn nhau và giúp phát triển một ngành nông nghiệp hàng đầu thế giới tại Việt Nam với các sản phẩm an toàn, được chứng nhận và theo dõi là điều cấp thiết. Sự kiện này sẽ giúp phát triển mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu, qua đó, giúp mở khóa toàn bộ tiềm năng của EVFTA”, ông Nicolas khẳng định thêm.

Đại diện các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ như Bayer, ABB giới thiệu các giải pháp sáng tạo, dẫn chứng các ứng dụng thiết thực của công nghệ điện tử hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, và coi đây là xu hướng để ngành nông nghiệp Việt Nam khẳng định và duy trì lợi thế cạnh tranh trong thời công nghệ 4.0.

Dưới góc độ doanh nghiệp và là một chuyên gia lâu năm trong ngành, ông Kohei Sakata, Giám đốc Chiến lược Kỹ thuật số Khu vực châu Á Thái Bình Dương, nhánh Khoa học Cây trồng Tập đoàn Bayer cho rằng theo tự nhiên, canh tác nông nghiệp cần đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước và đất. Hoạt động nông nghiệp ngày càng tăng lên nhưng diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm; trước bối cảnh này, tính bền vững cần được chú trọng. Ông bổ sung: “Đặc biệt, ở châu Á trong đó có Việt Nam, phần lớn nông dân là các nông hộ sản xuất nhỏ, với diện tích đất canh tác từ 2-3ha, nhưng lại cung cấp đến 70% nguồn lương thực. Rõ ràng là các giải pháp kỹ thuật số của chúng tôi đã mang đến những cơ hội lớn để thúc đẩy canh tác bền vững trong nông nghiệp. Đó là một trong những mục tiêu quan trọng của Bayer để giúp các nông hộ nhỏ sản xuất nhiều hơn với nguồn tài nguyên ít hơn”.

Ông Brian Hull, Tổng Giám đốc ABB tại Việt Nam chia sẻ quan điểm: “Việt Nam có lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp nhờ vào tài nguyên thiên nhiên phong phú và điều kiện khí hậu thuận lợi. Hiện tại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, nông sản Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản, đặc biệt là về công nghệ, để đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt và để đạt được năng suất cao, từ đó, dẫn đến những kết quả chưa được như kì vọng".

Theo các chuyên gia tại diễn đàn, thế giới đang trải qua những chuyển đổi mạnh mẽ về công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh tới phương thức tạo ra năng lượng cho xã hội, sản xuất hàng hóa. Ngành nông nghiệp nói chung và công nghiệp thực phẩm nói riêng của Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ và chịu những áp lực liên tục để thích nghi và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng ngày càng tăng, đặc biệt là trong các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như châu Âu. Điều này đặt ra những yêu cầu về nâng cao vệ sinh, chất lượng và sự đa dạng, đồng thời đòi hỏi sự cam kết về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững.

Các chuyên gia tham gia thảo luận trong Diễn đàn Nông nghiệp bền vững EU – Việt Nam – Nông nghiệp 4.0 mới đây

Ông Huỳnh Tiến Dũng Tổng giám đốc Quốc gia IDH Việt Nam chia sẻ: “IDH Sáng kiến Thương mại Bền vững là một tổ chức tập hợp các công ty, tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận (CSO), chính phủ và các tổ chức khác trong quan hệ đối tác công tư. Thông qua các Chương trình hợp tác, IDH đặt mục tiêu thúc đẩy sự bền vững từ thị trường nhỏ đến lớn, mang lại tác động đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Các đối tượng trong chuỗi cung ứng luôn cân nhắc cam kết bền vững. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một lựa chọn hiệu quả để đảm bảo việc thực hiện các cam kết này ở quy mô lớn. IDH và các đối tác hiện đang phát triển một cơ chế thị trường mới cho phép tìm nguồn cung ứng từ nền tảng bền vững: Các nguồn cung ứng đã được chứng nhận (VSAs)”.

Các nguồn cung ứng đã được chứng nhận (VSAs) là một cơ chế mới nhằm đẩy nhanh sản xuất và thu hút hàng hóa bền vững trên toàn cầu. Mục tiêu là để xác minh tính bền vững của toàn bộ khu vực (ví dụ: đô thị, quận huyện, sau đó là tỉnh/tiểu bang), do đó, nó không còn cần thiết để xác minh riêng từng nhà sản xuất, nhà máy hoặc hàng hóa. Bằng cách này, các mục tiêu bền vững như bảo vệ rừng và than bùn, lao động, sở hữu đất đai, quản lý minh bạch có thể đạt được quy mô và tác động lớn hơn. Nó giúp các nhà phân phối khối lượng lớn hàng hóa phù hợp với các cam kết bền vững của họ ở quy mô và giá cả cạnh tranh. Thông qua VSAs, toàn bộ khu vực sản xuất có thể được kết nối với thị trường toàn cầu. Trong đối tượng sản xuất, phân phối trong các khu vực này sẽ được khuyến khích và nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ các thị trường toàn cầu để đáp ứng các mục tiêu bền vững. “VSAs do đó tạo ra sự bền vững của cả khu vực và có tác động đến nhiều mục tiêu bền vững cùng một lúc. Tại Việt Nam, IDH vừa bắt đầu thí điểm VSA tại tỉnh Lâm Đồng”, ông Dũng cho biết như vậy và tin tưởng vào mô hình VSAs sẽ được nhân rộng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Richard de Boer, Tổng giám đốc, Control Union cho biết: “Vì sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam đi đôi với những cơ hội thương mại mới, do đó, sự rõ ràng trong các quy định hoặc thông tin cập nhật ở mỗi thị trường luôn luôn cần thiết. EVFTA tạo cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp hiểu rõ các tiêu chuẩn và yêu cầu áp dụng để đảm bảo an toàn và chất lượng trong toàn bộ chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường EU. Việc xây dựng một diễn đàn để các bên có liên quan có thể khám phá và chia sẻ cái nhìn sâu sắc về những cơ hội và thách thức hiện nay và thảo luận về các giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách tăng trưởng trong ngành nông nghiệp Việt Nam”.

Ông Nguyen Cao Trí, Tổng giám đốc, NS BlueScope Lysaght Việt Nam nhìn nhận dưới một góc nhìn khác khi cho rằng ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đang tăng trưởng ổn định, tuy nhiên phụ thuộc nhiều vào kinh doanh hộ gia đình quy mô nhỏ, chất lượng không ổn định và cơ cấu chi phí cao, hạn chế đưa sản phẩm Việt Nam thâm nhập vào thị trường yêu cầu cao và phát triển. Gia tăng lợi thế cạnh tranh đòi hỏi giải pháp hoàn thiện, đồng bộ từ chăn nuôi (giống, thức ăn, môi trường nuôi động vật) đến giai đoạn cuối cùng là chế biến thịt.

“Lysaght gần đây đã tham gia vào phân khúc nông nghiệp với các sản phẩm khác nhau như chuồng tôm, chuồng gia cầm - tham gia cải tiến chăn nuôi gia cầm với chất lượng tốt nhất của chuồng trại. Gần đây nhất, Lysaght cũng giới thiệu nhà máy năng lượng mặt trời cho phép các nhà đầu tư tận dụng tối đa việc sử dụng tài nguyên đất với kết hợp đa chức năng, sản xuất năng lượng tái tạo trên mái và trồng rau bên trong. Giải pháp cho phép cài đặt nhanh với độ chính xác cao, chi phí bảo trì tối thiểu và thời gian sử dụng lâu bền, không những đảm bảo tỷ xuất hồi vốn cao cho các nhà đầu tư mà còn tăng tính bền vững cho cộng đồng”, ông khẳng định.

Vũ Long