Nông nghiệp sạch

Phát triển khuyến nông cộng đồng, khuyến nông số

Thứ sáu, 27/10/2023 | 10:16 GMT+7
Ngày 26/10, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tọa đàm về phát triển khuyến nông cộng đồng và khuyến nông số, nhân kỷ niệm 30 năm Khuyến nông Việt Nam.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Viết Khoa, Trưởng phòng Đào tạo huấn luyện, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, đến nay, Trung tâm thực hiện hệ thống quản lý văn bản và điều hành, sử dụng văn bản điện tử; 100% văn bản đi/đến của Trung tâm được chuyển song song trên môi trường mạng và qua đường bưu chính. Trong đó, 100% văn bản, tài liệu với các đơn vị trong và ngoài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có liên thông văn phòng điện tử được trao đổi dưới dạng văn bản, tài liệu điện tử. Trung tâm cũng đã thiết lập trang Phiên chợ khuyến nông - địa chỉ tin cậy để Trung tâm Khuyến nông các tỉnh/thành phố giới thiệu sản phẩm từ mô hình khuyến nông, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền. Phiên chợ khuyến nông đã phát huy hiệu quả kết nối sản xuất và tiêu thụ trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó có hơn 300 sản phẩm được giới thiệu.

Ông Nguyễn Viết Khoa thông tin thêm, trong lĩnh vực khuyến nông cộng đồng, đến nay Trung tâm đã triển khai thành lập 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm ở 13 địa phương thuộc 5 vùng nguyên liệu. Đa số 13 địa phương đồng thuận và tổ chức thực hiện theo quan điểm tổ khuyến nông cộng đồng là bộ phận thuộc hệ thống khuyến nông tỉnh, được thành lập trên cơ sở các nguyên tắc: không tăng biên chế của khuyến nông tỉnh; không ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức bộ máy; hạn chế phát sinh kinh phí chi cho bộ máy khuyến nông. Ngoài ra, đơn vị còn quản lý các dự án khuyến nông trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản trên môi trường số; ứng dụng khuyến nông xanh nhằm tạo kênh tuyên truyền hữu hiệu, gần gũi và thân thiện với mọi người.

Quang cảnh tọa đàm

Tại tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra định hướng nhằm phát triển khuyến nông số trong thời gian tới gồm: xây dựng hệ thống trung tâm dữ liệu khuyến nông tập trung có tính kết nối và đồng bộ hóa từ cấp Trung ương đến địa phương; xây dựng hệ thống khuyến nông số thu thập, tạo lập dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khuyến nông; xây dựng quy chế và cơ chế mạng lưới giám sát, thu thập thông tin dữ liệu các tổ chức khuyến nông từ cấp Trung ương đến địa phương; nâng cao nhận thức, năng lực cho hệ thống khuyến nông toàn quốc về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động khuyến nông.

Bên cạnh đó, thiết kế các module phần mềm quản lý dự án khuyến nông trên nền tảng số, giúp tối ưu hóa công tác quản lý, tiết kiệm thời gian, dễ dàng theo dõi và khai thác dữ liệu; thu thập dữ liệu, tích hợp dữ liệu về các dự án đã và đang thực hiện vào hệ thống; xây dựng tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý dự án khuyến nông...

Theo ông Morita Tateo, chuyên gia về cây trồng đến từ tổ chức JICA (Nhật Bản), khuyến nông cộng đồng mà Việt Nam đang triển khai có rất nhiều điểm tương đồng với hệ thống khuyến nông phát triển tại các công ty, doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt là khuyến nông cộng đồng ở Việt Nam vẫn đang được nhà nước hỗ trợ, còn khuyến nông ở các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản thì phải tự túc. Mặt khác, khuyến nông ở các công ty tư nhân Nhật Bản, ngoài việc bán hàng, hướng dẫn sử dụng vật tư đầu vào thì họ còn cho nông dân vay tiền để mua vật tư nông nghiệp, nông dân sẽ trả lại sau khi bán hàng. Mô hình này đã được triển khai rất hài hòa, thành công ở Nhật. Do đó, ông Morita Tateo kiến nghị khuyến nông Việt Nam xem xét ngoài việc đầu tư cho khuyến nông công thì có thể tiến tới đầu tư thêm cho khuyến nông tư để thúc đẩy phát triển sản xuất nói chung.

Lâm Bảo (T/H)