Đời sống, xã hội

Phát triển kinh tế khu vực nông thôn từ các sản phẩm OCOP

Thứ ba, 3/12/2019 | 10:51 GMT+7
OCOP là chương trình phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Mới đây, Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị Kết nối các sản phẩm tham gia chương trình OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khu vực miền Trung – Tây Nguyên, trong khuôn khổ chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020.

Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Sau hơn 1 năm triển khai, chương trình đã thu được những kết quả vượt bậc cả về số lượng sản phẩm, mẫu mã. Chất lượng của sản phẩm cũng từng bước được khẳng định, dần hình thành nhóm sản phẩm đặc sản, gắn với bảo tồn văn hoá và đặc trưng của từng vùng quê. Hiện đã có 58/63 tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch/Đề án thực hiện OCOP, bao gồm: 19 tỉnh ban hành kế hoạch, 34 tỉnh ban hành đề án, 5 tỉnh ban hành cả đề án và kế hoạch.

Ước tính đến năm 2020, tổng số sản phẩm được chuẩn hóa theo OCOP sẽ đạt 3.749 sản phẩm. Trong đó, nhóm thực phẩm là 2.147 sản phẩm, nhóm đồ uống là 387 sản phẩm, nhóm thảo dược là 261 sản phẩm, nhóm vải may mặc là 100 sản phẩm, nhóm lưu niệm, nội thất trang trí là 661 sản phẩm và nhóm dịch vụ, du lịch và bán hàng là 193 sản phẩm. Tổng nguồn lực huy động dự kiến đạt gần 9.583 tỷ đồng.

Trong phiên hội nghị, đại diện Sở Công Thương các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP vào điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP

Tại hội nghị, lãnh đạo hai Bộ mong rằng sẽ kết nối thành công, hiệu quả các sản phẩm với các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Qua đó góp phần liên kết giữa hộ sản xuất với tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp, đồng thời có thể giúp phát triển, kết nối các hình thức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế địa phương. Bên cạnh đó, việc đưa các sản phẩm nhỏ lẻ vào chuỗi cung ứng chung còn nhằm mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Hội nghị cũng là cơ hội chia sẻ khó khăn, trở ngại của các doanh nghiệp, đơn vị trong quá trình sản xuất các sản phẩm OCOP. Theo đó, những khúc mắc của doanh nghiệp đã được các chuyên gia giải đáp, tư vấn, cụ thể như về kinh nghiệm xây dựng, phát triển thương hiệu cho các đặc sản địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu để có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; tư vấn các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP và khởi nghiệp thành công.

Gia Linh