Kinh tế xanh

Phát triển kinh tế tuần hoàn để đảm bảo tăng trưởng bình đẳng và bền vững

Thứ sáu, 15/10/2021 | 09:01 GMT+7
Ngày 14/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VCCI-VBCSD) tổ chức hội thảo chuyên đề “Kinh tế tuần hoàn – Tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững”.

Hội thảo trực tuyến nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2021. Đây là sự kiện thúc đẩy đối thoại về phát triển bền vững doanh nghiệp do VCCI-VBCSD thực hiện thường niên từ năm 2014.

Kinh tế tuần hoàn cung cấp một góc nhìn mới về sử dụng các nguồn nguyên vật liệu theo hướng hiệu quả, tiết kiệm hơn, đồng thời nhắc nhở chúng ta sử dụng nguồn lực hữu hạn về nước, năng lượng, nguyên vật liệu và cả thực phẩm với vòng đời dài hơn, đạt giá trị cao hơn so với phương thức hiện tại.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Tổng thư ký - Phó Chủ tịch điều hành VBCSD, nền kinh tế sẽ đạt được vòng tuần hoàn khép kín với sự tham gia tổng thể và toàn diện của các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất thông qua việc chia sẻ thông tin, ứng dụng những mô hình kinh doanh mới, kết hợp các chuỗi cung ứng nhằm đạt được những mục tiêu được tính toán khoa học với sự hỗ trợ từ hệ thống luật và các quy định quản lý từ Chính phủ. Khi đó, chúng ta sẽ không cần phải tiêu thụ thật nhiều tài nguyên để đạt được những con số tăng trưởng kinh tế khả quan và sẽ thu được những ảnh hưởng tích cực về môi trường, xã hội để chuyển đổi toàn diện hệ thống sản xuất và tiêu dùng sang một định hướng mới giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, bất bình đẳng.

Các đại biểu tham gia thảo luận, chia sẻ quan điểm, chiến lược về kinh tế tuần hoàn tại hội thảo

Tại hội thảo, VBCSD đã công bố báo cáo kết quả nghiên cứu đánh giá thực trạng và tiềm năng thực hiện kinh tế tuần hoàn của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam, tập trung vào ngành thực phẩm và đồ uống không cồn. Kết quả cho thấy, 90% doanh nghiệp được khảo sát đã có các hoạt động chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn ở các mức độ khác nhau như tập trung ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu, cơ sở hạ tầng, sử dụng bao bì; các doanh nghiệp FMCG đã có sự chuẩn bị tích cực cho việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, hoạt động hợp tác và truyền thông còn thiếu và yếu, trong đó hoạt động chuyển đổi sử dụng năng lượng chưa được ưu tiên đúng mức.

Đại diện Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD), ông Brendan Edgerton, Giám đốc Chương trình Kinh tế tuần hoàn cũng chia sẻ, nhân loại chỉ mới đưa được 8,6% sản lượng sản xuất vào vòng tuần hoàn. Nếu thiếu đi sự giám sát chặt chẽ đối với lộ trình này, lượng tài nguyên tiêu thụ vào năm 2060 sẽ gấp đôi năm 2015.

Trong khuôn khổ buổi hội thảo, tọa đàm “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) – Công cụ thúc đẩy xây dựng mô hình kinh tế xanh và bền vững” đã được tổ chức để các doanh nghiệp cùng thảo luận và đưa ra định hướng trong thời gian tới về kinh tế tuần hoàn.

Theo đó, ông Fausto Tazzi, Tổng giám đốc Công ty LaVie, Phó Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cho biết: Để có một cơ chế EPR thực sự hiệu quả, cần xây dựng được chuỗi logistics bao bì (từ lúc bao bì được sản xuất cho đến giai đoạn sau sử dụng) với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, gồm nhà sản xuất, nhà bán lẻ, người tiêu dùng, đơn vị thu gom rác thải và doanh nghiệp tái chế. Nếu chuỗi này được kiểm soát tốt thì sẽ đảm bảo chất lượng rác thải, từ đó bao bì sau sử dụng mới có thể trở thành nguyên liệu có giá trị cao, tiếp tục quay trở lại vòng sản xuất thay vì thải ra môi trường, tạo nên một mô hình kinh tế tuần hoàn.

Phó Chủ tịch PRO Việt Nam khẳng định: “Hệ thống EPR cần sự tham gia của tất cả các bên liên quan, nên cũng sẽ đặt ra thách thức lớn cho LaVie cũng như các doanh nghiệp khác khi thực hiện. Vì thế, chúng tôi cho rằng cơ quan chức năng cần tạo ra một môi trường bình đẳng cho tất cả các bên liên quan trong mô hình EPR và đưa ra các quy định rõ ràng; thực hiện vai trò “trọng tài” cũng như kiểm toán để tránh các ưu đãi lẫn chế tài không chính đáng đối với một số nguyên liệu sản xuất, đảm bảo sự nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Đây là những điều kiện cần thiết để hệ thống EPR có thể hoạt động tốt”.

Thanh Bảo