Nông nghiệp sạch

Phát triển lâm nghiệp bền vững, bảo tồn rừng tại Gia Lai

Thứ tư, 10/4/2024 | 17:26 GMT+7
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Gia Lai vừa phối hợp với Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) tổ chức hội thảo Triển khai hành động thích ứng với quy định của châu Âu về không gây mất rừng (EUDR) tại Gia Lai.

EUDR bao gồm các yêu cầu chính như: đảm bảo tính truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đảm bảo không gây mất rừng, suy thoái rừng; có vị trí tọa độ địa lý, diện tích thửa đất canh tác; có cơ chế chia sẻ và phản hồi thông tin để phục vụ cho việc thẩm định.

Hiện nay, trong EUDR, nhóm hàng hóa chịu tác động ban đầu gồm: gỗ, đậu nành, cao su, dầu cọ, ca cao, gia súc, cà phê. Trong đó, tỷ lệ và kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ và cao su sang châu Âu không lớn, nhưng các thị trường nhập khẩu chính (Hoa Kỳ, Nhật…) có xu hướng áp dụng cơ chế tương tự EUDR trong tương lai. Nếu Việt Nam thực hiện tốt các cam kết quốc tế (EUDR, VPA, COP, Glasgow…) thì sẽ có lợi thế về thương hiệu quốc gia với các thị trường nhập khẩu khác.

Ngành lâm nghiệp là nền tảng để 3 ngành hàng (gỗ, cà phê, cao su) đáp ứng yêu cầu EUDR gồm: cung cấp cơ sở dữ liệu về rừng để phục vụ các ngành hàng truy xuất nguồn gốc; cung cấp thông tin đầu vào để châu Âu phân loại quốc gia theo rủi ro thông qua công tác bảo vệ, phát triển, quản lý bảo vệ rừng, thực hiện các sáng kiến về giảm phát thải…

Chú trọng quy định không gây mất rừng trong phát triển nông nghiệp Gia Lai

Hội thảo được tổ chức nhằm triển khai khung kế hoạch hành động thích ứng với quy định không gây mất rừng của châu Âu, hướng đến mục tiêu hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất không gây phá rừng, suy thoái rừng, sản xuất bền vững kết hợp với các mục tiêu bảo tồn tài nguyên đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương, xây dựng chuỗi cung ứng cà phê quy mô lớn, bền vững, không gây phá rừng và suy thoái rừng, đáp ứng với các yêu cầu của thị trường và Liên minh châu Âu trong giai đoạn 2023 - 2030. Qua đó, giúp các nhà cung ứng cà phê thích ứng với EUDR, tránh ảnh hưởng tới xuất khẩu ngành hàng cà phê sang thị trường châu Âu nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai Đoàn Ngọc Có, EUDR tác động lên ngành nông - lâm nghiệp tỉnh, với các mặt hàng: cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ. Việc triển khai EUDR sẽ có nhiều thách thức, tác động trực tiếp đến các hộ sản xuất nhỏ, người dân bản địa; doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thời hạn để thực thi EUDR đối với doanh nghiệp có quy mô lớn là tháng 12/2024, đối với doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ là tháng 6/2025. Điều đó có nghĩa là hàng nông sản tại Gia Lai sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức để đáp ứng EUDR.

Để hàng nông sản Việt Nam nói chung và tỉnh nói riêng có thể đáp ứng yêu cầu của EUDR, ông Đoàn Ngọc Có đề xuất, cần xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định về truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng, có gắn với định vị của từng vườn; số hóa dữ liệu bản đồ địa chính các vườn trồng; áp dụng chứng chỉ bền vững đối với các mặt hàng cà phê, cao su, gỗ và các mặt hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm đối với sản phẩm, hàng hóa.

Xây dựng bản đồ về hiện trạng tài nguyên rừng; xây dựng vùng sản xuất rủi ro, vùng an toàn; rà soát hệ thống thông tin, dữ liệu về rừng và đất lâm nghiệp, các diện tích chồng lấn và hoàn thiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính phủ cần có những hỗ trợ về nguồn vốn, tài chính, kỹ thuật, cho các hộ nông dân, công ty xuất khẩu; tuyên truyền phổ biến quy định EUDR để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi bền vững, chuyển đổi sang chuỗi cung ứng không phá rừng; hỗ trợ chuyển đổi, cải thiện sinh kế cho nông dân, đặc biệt người dân tộc ở khu xen kẽ rừng và tiếp giáp rừng.

Để ngành cà phê Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung thích ứng với quy định của châu Âu về không gây mất rừng, đại diện Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, Nguyễn Trọng Cương đã đưa ra một số giải pháp. Cụ thể, phải thiết lập cơ sở dữ liệu rừng để châu Âu sử dụng; thiết lập ranh giới rừng, diễn biến rừng để làm căn cứ, cơ sở cho các ngành chứng minh sản phẩm đáp ứng yêu cầu không gây mất rừng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Xây dựng bản đồ, dữ liệu rừng, bản đồ vùng sản xuất theo mốc thời gian mà EUDR quy định.

Ngọc Huyền (T/H)