Năng lượng sạch

Phát triển năng lượng tái tạo ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ bảy, 31/8/2019 | 09:00 GMT+7
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, một trong những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam là phát triển năng lượng tái tạo để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Hội thảo khoa học về phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngày 28/8/2019, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận tổ chức “Hội thảo khoa học về phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Tiến sỹ Dư Văn Toán - Viện Nghiên cứu biển và hải đảo cho biết, nước ta được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Sự đa dạng của các nguồn năng lượng tái tạo có sẵn trong tự nhiên như mặt trời, gió, thủy điện, sinh khối, thủy triều, dòng chảy… đã và đang được triển khai trên toàn cầu nhằm giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Không chỉ dọn dẹp ô nhiễm, rác trên hành tinh của chúng ta, giảm bớt sự nóng lên của trái đất mà các nguồn năng lượng này sẽ không bao giờ cạn kiệt, có khả năng tái tạo và có thể khai thác ở những nơi xa xôi nhất… 

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Dư Văn Toán, việc thiếu cơ sở dữ liệu năng lượng tái tạo tin cậy về tiềm năng, trữ lượng; thiếu chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu, triển khai, ứng dụng công nghệ tái tạo và các kỹ thuật, công nghệ khai thác cũng như chi phí đầu tư cao là những thách thức ảnh hưởng đến việc phát triển năng lượng tái tạo tại nước ta. 

Trong khi đó, theo ông Dũng, “Kinh tế biển xanh hiện đã dần trở thành xu thế toàn cầu, hầu hết các quốc gia công nhận đây là mô hình để phát triển bền vững biển, trong đó, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những điểm mấu chốt của kinh tế biển xanh”.

Năng lượng tái tạo góp phần bảo vệ môi trường

Tại hội thảo, các đại biểu các lợi ích, thách thức, định hướng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam; các giải pháp chống biến đổi khí hậu thông qua giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường...

Đại diện sở Công Thương Bình Thuận cho biết, Bình Thuận là địa phương có tiềm năng năng lượng gió và mặt trời thuộc loại cao nhất trong cả nước, số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình ở phía Nam, tốc độ gió và bức xạ nhiệt cao và ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời. Lĩnh vực này tại địa phương hiện nay đang có sức thu hút lớn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 20 dự án điện gió, với tổng công suất 812,5 MW (công suất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia và Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh) được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu, cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư. Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến nay có 95 dự án điện mặt trời với tổng công suất đề xuất, đăng ký đầu tư khoảng 6.047 MWp (tương đương 4.847 MW).

An Nhiên