Phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải trong Quy hoạch điện VIII

Thứ tư, 17/6/2020 | 13:07 GMT+7
Trong hội thảo “Triển vọng hợp tác Việt Nam – Thụy Điển trong lĩnh vực năng lượng” ngày 16/6, ông Nguyễn Thế Thắng, Trưởng phòng Phát triển Hệ thống điện (Viện Năng lượng Việt Nam) đã trình bày các hướng lớn, phương pháp luận xây dựng chương trình phát triển nguồn điện; hiện trạng mật độ, sản lượng và các tiêu chí trong thiết kế lưới điện truyền tải; dự báo phụ tải của Quy hoạch điện VIII…

Theo đó, ông Nguyễn Thế Thắng nhấn mạnh đến năng lượng lượng tái tạo trong các định hướng lớn của chương trình phát triển nguồn điện bao gồm: tuân thủ các chính sách hiện hành của nhà nước về mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; phát triển nguồn năng lượng tái tạo với quy mô phù hợp với các chính sách của nhà nước, có xem xét đến khả năng nâng cao tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo so với các chính sách hiện hành. Đồng thời, phát triển các loại hình nguồn điện linh hoạt (thủy điện tích năng, pin tích năng, động cơ đốt trong sử dụng LNG…) phù hợp với quy mô nguồn năng lượng tái tạo; tăng cường nhập khẩu và liên kết lưới điện với các nước láng giềng nhằm tăng cường khả năng tích hợp năng lượng tái tạo…

Ông Nguyễn Thế Thắng trình bày về phương pháp luận xây dựng chương trình phát triển nguồn điện tại hội thảo

Chương trình phát triển nguồn điện, tất cả các chi phí về sản xuất điện (nhiên liệu, xây dựng, vận hành bảo dưỡng, sửa chữa) đều được dự báo và tính toán rõ ràng để xây dựng một kịch bản đảm bảo hài hòa, thỏa mãn các ràng buộc về chính sách, ông Thắng cho biết.

Theo kịch bản cơ sở của Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong suốt giai đoạn 2016 – 2020 – 2035, GDP tăng trưởng thực tế là 6,4%. Dự báo phụ tải của Quy hoạch điện VIII năm 2030 giảm khoảng 30 tỷ kWh so với phụ tải của Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tăng trưởng điện năng sản xuất giai đoạn 2021 – 2030 là 8%/năm; giai đoạn 2031 – 2045 là 4,1%/năm. 

Năm 2030, hiện đã xây dựng và sắp đưa vào vận hành các đường dây 500 kV rất lớn từ phía Bắc, từ phía Nam của khu vực Bắc Bộ đi qua Trung Bộ để về phía Tây Nguyên, đồng thời xây dựng các đường dây từ phía Nam Trung Bộ về trung tâm phụ tải TPHCM, sắp sửa xây dựng các đường dây lớn từ các nguồn nhiệt điện khí ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đi về phía Nam của TPHCM.

Sơ đồ lưới điện 500 kV dự kiến vào năm 2030

Trong tương lai, Viện Năng lượng sẽ xem xét để lựa chọn và thiết kế các hệ thống điện có liên quan đến sự xuất hiện của các trung tâm nguồn truyền tải năng lượng, từ trung tâm nguồn đến trung tâm phụ tải.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, ông Thắng cho biết, Việt Nam không chỉ có 2 trung tâm phụ tải lớn là trung du, đồng bằng Bắc Bộ và khu vực Đông Nam Bộ mà còn mở rộng thêm 4 trung tâm nguồn tương đối lớn về năng lượng tái tạo. Cụ thể như: nhiệt điện, điện gió ở khu vực Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); khu vực Tây Nguyên với tiềm năng về điện gió, điện mặt trời, thủy điện; phía Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh hòa) có nguồn nhiệt điện, năng lượng tái tạo lớn; trung tâm nguồn thứ 4 là phía Tây Bắc Bộ với nguồn nhiệt điện than, điện khí, điện gió. Việc phân vùng giúp thiết kế lưới truyền tải chính thêm thuận lợi, có thể cân đối cung cầu cho từng vùng, cùng với đó, việc truyển tải liên vùng, liên miền sẽ được Viện xem xét.

Dự kiến tiến độ xây dựng Quy hoạch điện VIII trong khoảng 10 tháng, tính từ đầu năm 2020. Hiện Viện Năng lượng đã hoàn thành bước đầu một số hạng mục và dự tính vào đầu tháng 7 tới sẽ tổ chức hội thảo về Quy hoạch điện VIII. Dự kiến, hội thảo giới thiệu về Quy hoạch điện VIII sẽ bao gồm phương pháp luận; thực trạng hệ thống điện; các giả thiết, thông số trong chương trình phát triển hệ thống điện; kết quả và các dự kiến phát triển nguồn điện trong tương lai.

Thanh Bảo