Nông nghiệp sạch

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với biến đổi khí hậu tại Lâm Đồng

Thứ tư, 4/5/2022 | 11:57 GMT+7
Với lợi thế nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Lâm Đồng đang tích cực phát triển theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu và bền vững.

Lâm Đồng là tỉnh miền núi ở khu vực Tây Nguyên với diện tích tự nhiên khoảng 9,7 nghìn km2. Trong đó có khoảng 300.000ha đất sản xuất nông nghiệp với 3 vùng sinh thái rõ rệt.

Từ lợi thế về khí hậu, đất đai, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ. Tính đến cuối 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 62.000ha diện tích nông nghiệp công nghệ cao, chiếm tỉ lệ trên 21%. Đặc biệt có nhiều diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt doanh thu bình quân trên 500 triệu đồng/ha/năm và một số diện tích đạt từ 1,5 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm.

Nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng phát triển toàn diện cả cây trồng lẫn vật nuôi. Đặc biệt trong lĩnh vực cây rau và hoa, nhiều diện tích phát triển công nghệ kết nối vạn vật IoT, giải pháp về hạ tầng nông nghiệp, ứng dụng năng lượng tái tạo, đảm bảo điều chỉnh tự động.

Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ

Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, nhiều trang trại từng bước phát triển quy mô lớn và có những trang trại rộng hàng trăm ha sử dụng thiết bị bay không người lái để kiểm soát sự sinh trưởng cây trồng cũng như công tác bảo vệ thực vật, dự tính năng suất của cây trồng; vật nuôi thì được gắn chíp để theo dõi sự phát triển cũng như tiện chăm sóc sức khỏe.

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, phát triển chuỗi giá trị, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực… từ đó phát triển nền nông nghiệp Lâm Đồng theo yêu cầu mới.

Theo đó, tỉnh xác định sẽ phát triển với quy mô lớn hơn đối các loại cây trồng có lợi thế cạnh tranh như cây công nghiệp dài ngày như chè, mắc ca, dâu tằm, cà phê và phát triển thêm đàn gia súc, đặc biệt là bò sữa.

Tập trung phát triển nâng cao trên cùng đơn vị diện tích, ứng dụng giải pháp toàn bộ, đặc biệt nông nghiệp thông minh, để phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng nông nghiệp sinh thái.

Mở rộng ra cả vùng Tây Nguyên, có thể nói rằng so với 7 vùng sinh thái của nông nghiệp Việt Nam thì Tây Nguyên là vùng có nhiều lợi thế cạnh tranh. Quỹ đất bazan tập trung ở vùng Tây Nguyên đã giúp tỉnh phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu, cà phê, cao su, chè.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay các tỉnh Tây Nguyên đang từng bước áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là những lợi thế để phát huy 5,6 triệu ha đất Tây Nguyên. Trong thời gian tới cần nâng cao giá trị sản xuất thông qua ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết sản xuất, hình thành các doanh nghiệp đầu tàu, lôi cuốn các thành phần kinh tế khác để có một tổng giá trị sản phẩm lớn hơn.

Do đó, cần đào tạo về nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện nay là nông nghiệp hiện đại, bền vững, sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Đầu tư mạnh về chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng các giải pháp về nông nghiệp thông minh; nâng cao về chuỗi giá trị, đặc biệt là giải pháp về logistics để đảm bảo được chuỗi đồng bộ. Tập trung vào khoa học công nghệ, nghiên cứu biện pháp sinh học tạo ra giống mới để nhanh thích ứng điều kiện mới, phòng chống sâu bệnh tốt, thích ứng biến đổi khí hậu để cây trồng tạo ra nông sản đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

Lâm Bảo (T/H)