Quảng Bình tính dựa vào đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ tư, 8/1/2020 | 14:35 GMT+7
Trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris” (VN-SIPA), Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Các giải pháp thích ứng đô thị cho thành phố Đồng Hới”.

Hội thảo nhằm giới thiệu mục tiêu, phương pháp, các kết quả mong đợi, lộ trình thực hiện và những đóng góp mong muốn từ các bên liên quan trong quá trình thực hiện đợt nghiên cứu tại thành phố Đồng Hới, tham vấn đề xuất Khung tiêu chí đánh giá giải pháp thích ứng đô thị tiềm năng… Bên cạnh đó, hội thảo cũng là dịp để các chuyên gia giới thiệu kinh nghiệm quốc tế về thích ứng biến đổi khí hậu khu vực đô thị để lựa chọn giải pháp cho thành phố Đồng Hới.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết,là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, bên cạnh thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, kinh nghiệm thích ứng biến đổi khí hậu khu vực đô thị còn rất thiếu.

Hội thảo đã giới thiệu các kinh nghiệm quốc tế về thích ứng biến đổi khí hậu khu vực đô thị để lựa chọn giải pháp cho thành phố Đồng Hới

Quảng Bình là một trong nhiều địa phương thường xuyên chịu tác động nặng nề của thiên tai, bão, lũ và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Với sự hỗ trợ của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, từ 2014 đến 2018, tỉnh đã thực hiện dự án Thích ứng dựa vào hệ sinh thái.  Ngay sau khi dự án kết thúc, Chính phủ Đức tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris với số vốn trên 10 triệu Euro, triển khai ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thí điểm tại hai địa phương. Thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình được lựa chọn làm địa phương thực hiện thí điểm giải pháp thích ứng dựa vào đô thị.

Theo ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái là một cách tiếp cận mới mẻ, tuy nhiên đây được đánh giá là phương pháp mềm dẻo hơn, linh hoạt hơn và đem lại hiệu quả kinh tế xã hội về lâu dài. Việc lồng ghép chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái là cách tiếp cận đạt được hiệu quả về chi phí, dễ dàng tiếp cận đối với cộng đồng dân cư nông thôn, có thể lồng ghép, gắn kết và duy trì kiến thức truyền thống, giá trị văn hóa bản địa và thích ứng dựa vào hệ sinh thái có thể bổ trợ (hoặc thay thế) cùng với các biện pháp thích ứng khác nhằm ứng phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. 

Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris” (VN-SIPA) do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tài trợ được thực hiện với mục tiêu nhằm tăng cường khung pháp lý và năng lực quốc gia để hỗ trợ triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trọng tâm là thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Một trong những hợp phần quan trọng của Dự án nhằm phân tích, lập kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EbA) và quản lý rủi ro khí hậu cho khu vực đô thị ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Nam Thanh