TP Hồ Chí Minh: Đến năm 2025, khoảng 80% nước thải sẽ được thu gom và xử lý đạt chuẩn

Thứ hai, 9/8/2021 | 11:55 GMT+7
NLSVN - TP Hồ Chí Minh là đô thị lớn, đông dân nhất cả nước nhưng hiện hệ thống nước thải đô thị chưa đồng bộ. Thành phố đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025, 80% lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.

TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2025 khoảng 80% nước thải sẽ được thu gom và xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh ước tính có hơn 3 triệu m3 nước thải đô thị mỗi ngày nhưng tổng lượng nước thải qua xử lý của thành phố chỉ đạt 316.000 m3/ngày, chiếm tỉ lệ khoảng 10%.

Cụ thể, 3 Nhà máy xử lý nước thải tập trung, gồm: Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 1), công suất 141.000 m3/ngày, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa, công suất 30.000 m3/ngày, Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 1) công suất 131.000 m3/ngày. Ngoài ra, có 4 trạm xử lý nước thải phi tập trung gồm: Trạm Tân Quy Đông (500 m3/ngày), Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (3.700 m3/ngày), Trạm khu tái định cư 17,3 ha phường Bình Khánh, TP Thủ Đức (3.000 m3/ngày).

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, thành phố đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện một số công trình thu gom và xử lý nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát có công suất 131.000m3/ngày; Bình Hưng (giai đoạn 2) có công suất 470.000m3/ ngày và Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè có công suất 480.000m3/ngày. Khi vận hành sẽ nâng tỷ lệ xử lý nước thải toàn thành phố đạt 45% mỗi ngày, tương đương gần 1,4 triệu m3.  

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho hay: “Giữa năm 2022, các dư án xử lý nước thải sẽ đi vào hoạt động như: Dự án cải thiện môi trường nước, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ sẽ hoàn thành toàn bộ gói thầu giai đoạn 2, còn giai đoạn 3 chuẩn bị đầu tư. “Dự án sẽ xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho lưu vực Nam Sài Gòn, công suất giai đoạn 1 là 100.000m3/ngày, giai đoạn 2 là 170.000m3/ngày. Sau khi hoàn thành, toàn bộ nước thải sinh hoạt của các khu vực này được thu gom, xử lý trước khi xả ra môi trường”.

Để giải quyết bài toán xử lý nước thải trong thời gian tới, UBND TP Hồ Chí Minh đã xây dựng "Đề án chống ngập và xử lý nước thải thành phố giai đoạn 2020-2045". Theo đó, đến năm 2025 khoảng 80% tổng lượng nước thải của thành phố sẽ được thu gom và xử lý đạt chuẩn với khoảng 2.580.000 m3/ngày.

Để đạt được mục tiêu, thành phố tập trung hoàn thiện giai đoạn 1 của Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nâng công suất Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 3. Hoàn thành dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 2) và mời gọi đầu tư 6 nhà máy xử lý nước thải gồm: Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Cầu Dừa, Tây Bắc, Suối Nhum.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh ngân sách thành phố hạn hẹp, thành phố đã tích cực kêu gọi nguồn vốn ODA của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đồng thời, đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải, mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và thực hiện việc thu phí nước thải, tạo thêm nguồn vốn để xây dựng hạ tầng liên quan.

UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Xây dựng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà máy xử lý nước thải thời gian tới.

Đoàn Vĩnh