TPHCM tính tăng giá nước sạch

Thứ tư, 2/10/2019 | 11:24 GMT+7
Nếu UBND TP thông qua, giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt cho người dân tại TPHCM sẽ tăng từ 5.300 đồng/m3 lên 5.600 đồng/m3, riêng giá bán cho hộ nghèo và cận nghèo không tăng.

Sở Tài chính đã có tờ trình kiến nghị UBND TPHCM điều chỉnh tăng giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt giai đoạn 2019-2022.

Cụ thể, giá nước năm 2019 đối với hộ dân cư sẽ tăng từ 5.300 đồng/m3 lên 5.600 đồng/m3 (tăng 5,66%), riêng hộ nghèo, cận nghèo vẫn giữ nguyên 5.300 đồng/m3.

Năm 2020, giá nước bán lẻ đối với hộ dân cư sẽ tăng lên 6.000 đồng/m3, đối với hộ nghèo và cận nghèo là 5.600 đồng/m3.

Năm 2021, giá nước bán lẻ đối với hộ dân cư là 6.300 đồng/m3, đối hộ nghèo và cận nghèo là 6.000 đồng/m3.

Năm 2022, giá nước bán lẻ đối với hộ dân cư là 6.700 đồng/m3, hộ nghèo, cận nghèo là 6.300 đồng/m3. Giá này chưa bao gồm thuế GTGT và áp dụng cho định mức sử dụng đến 4 m3/người/tháng. Các định mức cao hơn sẽ tính giá cao hơn.

Nếu được thông qua, giá nước sạch trên địa bàn TPHCM có thể lên tới 14.400 đồng/m3. (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, khi sử dụng vượt định mức trên 6 m3, người dân phải trả tới 14.400 đồng/m3 vào năm 2022. Đơn giá nước này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường theo quy định.

Chỉ trong giai đoạn 2014-2017, Sở Tài chính đã trình thành phố 7 tờ trình điều chỉnh giá nước nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Mấu chốt chính khiến phương án nước chưa được thông qua là tỷ lệ thất thoát được tính vào giá thành vẫn còn cao, hiện khoảng 22,2%.

Tổng công suất các nhà máy cấp nước trên địa bàn TPHCM khoảng 2,4 triệu m3/ngày nhưng công suất tiêu thụ chỉ hơn 1,8 triệu m3/ngày. Bên cạnh nguồn nước sạch, khoảng 680.000 m3 nước ngầm cũng được khai thác mỗi ngày phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất. Đến nay, tỷ lệ hộ dân thành phố được cấp nước sạch là 100%. Tuy nhiên, việc cấp nước qua đồng hồ tại nhà dân đạt 97,8%, còn lại 2,2% thông qua các giải pháp cấp nước khác (đồng hồ tổng, bồn nước, thiết bị lọc). 

Nam Yên