Thái Bình triển khai nền tảng đô thị thông minh

Thứ tư, 24/6/2020 | 11:23 GMT+7
Từ tháng 2/2020 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông Thái Bình đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, các dịch vụ giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thái Bình đã được khai trương vận hành thí điểm ngày 13/02/2020. Xây dựng và triển khai hướng dẫn cán bộ công chức các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh cài đặt và sử dụng ứng dụng (app) trên thiết bị di động.

Hoàn thành phát triển trục tích hợp của hệ thống triển khai thí điểm để cho phép các dịch vụ, phần mềm trong hệ thống có thể kết nối, chia sẻ dữ liệu với nhau; hoàn thành cung cấp dữ liệu dùng chung, định danh, phân quyền cho các dịch vụ trong hệ thống triển khai thí điểm;

Thực hiện tích hợp các dịch vụ hành chính công, Hệ thống Quản lý văn bản điều hành (Mạng Văn phòng điện tử liên thông của tỉnh) vào hệ thống triển khai thí điểm; đang thực hiện xây dựng quy định tạm thời về thu thập dữ liệu từ các hệ thống dịch vụ thông qua API, eform; về việc số hóa, phân tích dữ liệu thu được thành dữ liệu tri thức; về việc lưu trữ dữ liệu lớn, bóc tách dữ liệu lớn thành dữ liệu chuyên ngành; sẵn sàng cung cấp dữ liệu mở cho các dịch vụ, hệ thống bên ngoài có thể sử dụng dữ  liệu của hệ thống nền tảng.

Thái Bình đang xây dựng đô thị thông minh. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, các dịch vụ đô thị thông minh đã triển khai thí điểm như Chỉ đạo điều hành và tương tác nội bộ; họp không giấy tờ; văn bản đến đi, lịch công tác... đã được thực hiện.

CCTV và cảm biến: Tổng số Camera đang có của tỉnh đã kết nối về Trung tâm Giám sát, điều hành: 95 camera, cụ thể camera đang có các lĩnh vực như sau: Bệnh viện, Trung tâm phục vụ hành chính công, trường học, tiếp dân. Đã đưa được các cảnh báo vắng mặt cán bộ tiếp dân tại Trung tâm phục vụ hành chính công, cảnh báo xâm nhập,…

Theo dõi hoạt động báo chí và mạng xã hội tỉnh đã hoàn thành việc cấu hình, cấp tài khoản, xây dựng ứng dụng phục vụ 2 nhóm đối tượng là chuyên viên xử lý và lãnh đạo chính quyền. Sở Thông tin và Truyền thông đang tiến hành vận hành, sử dụng thử.

Đối với người dân, bước đầu xây dựng ứng dụng trên 2 nền tảng là Ios và Android với các nhóm chức năng như tra cứu, phản ánh hiện trường, tiện ích kết nối dịch vụ hành chính công, hỗ trợ tính năng đọc báo, danh bạ khẩn cấp và đặt vé máy bay. Đối với chuyên viên và lãnh đạo có thể giám sát, điều hành chỉ tiêu KT-XH, chỉ tiêu báo cáo thống kê ngành, lĩnh vực; thực hiện giám sát hành chính công, họp không giấy tờ và họp trực tuyến trên môi trường mạng bằng các thiết bị (như: smartphone, máy tính bảng, laptop...

Sở Thông tin và Truyền thông Thái Bình cho biết, trong thời gian tới tiếp tục hoàn thiện Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Thái Bình và triển khai đưa vào sử dụng các dịch vụ thí điểm đã lựa chọn. Tổ chức đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Tổ chức đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền góp phần hoàn thành việc thí điểm dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá kết quả triển khai; đánh giá phù hợp của hệ thống với việc triển khai Chính quyền điện tử, phù hợp với các hệ thống CNTT của tỉnh đã triển khai; tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo đánh giá kết quả về Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, sản phẩm phần mềm của đơn vị triển khai thí điểm chưa phục vụ nhiều cho công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, mới cơ bản tổng hợp thành các cơ sở dữ liệu từ số liệu cung cấp của các ngành; chưa xây dựng được tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá hiệu quả triển khai (KPI); Chưa thực hiện đánh giá sự phù hợp của hệ thống với các hệ thống CNTT của tỉnh đã triển khai để phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử; chưa đánh giá được hiệu quả của hệ thống thực hiện triển khai thí điểm do thời gian quá ngắn (chủ yếu mới tập trung vào triển khai hạ tầng để phục vụ các nội dung triển khai thí điểm). Do vậy đơn vị triển khai thí điểm cần nỗ lực nhiều hơn nữa để ứng dụng dịch vụ đô thị thông minh được các cơ quan trong tỉnh và người dân Thái Bình chấp nhận ứng dụng trong thực tế.

Nam Yên