Tham vấn dự án quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình

Thứ năm, 14/3/2024 | 17:15 GMT+7
Ngày 14/3, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức hội thảo tham vấn dự án “Nâng cao an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học và sinh kế thích ứng thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái tại lưu vực sông Hồng - Thái Bình”.

Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết, hội thảo là cơ hội để các bên liên quan trao đổi, góp ý và thống nhất về các nội dung liên quan tới dự thảo văn kiện, đáp ứng những mục tiêu mà dự án đề ra.

Dự án được xây dựng với ưu tiên về bảo đảm an ninh tài nguyên nước và bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam; phù hợp với tiêu chí và ưu tiên của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF). Dự án nhằm tăng cường an ninh nguồn nước, giảm thiểu suy thoái hệ sinh thái, duy trì, nâng cao đa dạng sinh học và cải thiện khả năng phục hồi sinh kế trên lưu vực sông Hồng thông qua áp dụng quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái.

Quang cảnh hội thảo tham vấn

Ông Nguyễn Song Hà, trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho biết, nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với trọng tâm là giải quyết các vấn đề liên quan đến suy thoái hệ sinh thái, gia tăng biến đổi khí hậu, tình trạng canh tác không bền vững và suy giảm chất lượng nước trong lưu vực sông Hồng – Thái Bình, Quỹ Môi trường toàn cầu GEF đã phân bổ số tiền tài trợ hơn 11 triệu USD cho Việt Nam trong khuôn khổ chương trình tổng hợp về khôi phục hệ sinh thái toàn cầu.

Sự kiện hôm nay là cơ hội để nhóm xây dựng văn kiện dự án tiếp nhận ý kiến các chuyên gia và các Bộ, ban, ngành có liên quan; đi đến thống nhất về các nội dung của dự thảo văn kiện dự án để đảm bảo dự án đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như tính thực tiễn khi đi vào giai đoạn triển khai tại Việt Nam. Văn kiện dự án dự kiến được Quỹ GEF thông qua trong năm 2024 và triển khai trong vòng 5 năm, bắt đầu từ năm 2025.

Theo ông Alex Smajgl, điều phối viên dự án, dự án sẽ thiết lập thêm nhiều hệ sinh thái trên cạn và nước ngọt, giảm thiểu rủi ro do lũ lụt và hạn hán cực đoan, từ đó tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái và cộng đồng trước biến đổi khí hậu. Đồng thời, hỗ trợ cho các khoản đầu tư của Việt Nam vào phục hồi hệ sinh thái để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về đảm bảo đa dạng sinh học, giảm khí thải carbon.

Dự án sẽ thông qua 4 hợp phần kỹ thuật gồm: cải thiện an ninh nước bằng cách tăng cường môi trường thuận lợi cho việc phục hồi hệ sinh thái tổng hợp; thiết kế và thực thi các cơ chế khuyến khích quản lý tổng hợp tài nguyên nước, phục hồi hệ sinh thái nhằm kích thích đầu tư, tạo việc làm, đảm bảo sinh kế cho cộng đồng địa phương; đối thoại chính sách và kiến thức hiệu quả về quản lý tổng hợp tài nguyên nước, phục hồi hệ sinh thái, an ninh nước ở lưu vực sông Hồng – Thái Bình; giám sát và đánh giá.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã nêu ý kiến, trao đổi nhiều nội dung liên quan tới quá trình tham vấn về cơ chế triển khai dự án, thu thập các thư đồng tài trợ; tham vấn chuyên sâu với địa phương được lựa chọn về cơ chế khuyến khích thí điểm; đề xuất sáng kiến, mô hình dựa vào cộng đồng trong quản lý nước và bảo vệ hệ sinh thái.

Huyền Dung (T/H)