Nông nghiệp sạch

Thành phố Hồ Chí Minh triển khai phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Chủ nhật, 8/10/2023 | 00:20 GMT+7
Mới đây, tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, vấn đề ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được nhấn mạnh cấp thiết triển khai thực hiện.

Theo thông tin tại hội thảo, lãnh đạo TPHCM đã xác định tầm nhìn chiến lược về ngành nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để vừa sản xuất nông sản hàng hóa vừa kết hợp phát triển du lịch sinh thái; các giá trị nông nghiệp tạo ra mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế, xã hội. Những năm qua, TPHCM đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất, thành lập các đơn vị tiên phong trong lĩnh vực NNCNC như khu nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm công nghệ sinh học, trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao... UBND thành phố cũng đã phê duyệt Chương trình phát triển giống cây, con và NNCNC trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2030, đây là định hướng để tập trung nghiên cứu và phát triển NNCNC... Theo đó, sự phát triển NNCNC trên địa bàn đã có những kết quả đáng ghi nhận cả về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất trên 1ha đất.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn (đặc biệt là nguồn đất, nước bị ô nhiễm)… thì phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng khoa học công nghệ là xu hướng tất yếu, cấp thiết của nông nghiệp TPHCM. Vì vậy, UBND thành phố đã đặt ra mục tiêu chung đến năm 2030 là đẩy mạnh NNCNC, trong đó tập trung vào công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa và các công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phương pháp canh tác, nuôi trồng sản phẩm thương phẩm, công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch, để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, an toàn, có sức cạnh tranh cao.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TPHCM cho rằng, để chủ động thích ứng với bối cảnh quỹ đất nông nghiệp của thành phố đang bị thu hẹp rất nhanh, ngành nông nghiệp đã và đang định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng; đồng thời, giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hết sức cần thiết.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT TPHCM, trên cơ sở quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển NNCNC thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành nông nghiệp cần tập trung triển khai một số giải pháp chủ yếu như thống nhất chủ trương, hoàn thiện chính sách; quy hoạch, mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu, vùng sản xuất NNCNC, sản xuất giống công nghệ cao; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất NNCNC; thu hút đầu tư cho phát triển NNCNC, phát triển thị trường tiêu thụ, giá cả sản phẩm nông sản công nghệ cao. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định, bền vững; đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao năng lực cán bộ; tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh hoạt động truyền thông NNCNC nhằm nâng cao nhận thức cho người sản xuất.

Ông Đinh Minh Hiệp nhận định, với những mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra, thành phố mong muốn đến năm 2030, ít nhất 70% sản xuất nông nghiệp trên địa bàn được ứng dụng công nghệ cao.

Bảo An (T/H)