Năng lượng gió

Thúc đẩy khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Thứ hai, 25/7/2022 | 15:44 GMT+7
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa phối hợp cùng Quỹ Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á tổ chức cuộc họp tham vấn kinh nghiệm các bên nhằm thúc đẩy khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi.

Phát biểu khai mạc, ông Trương Đức Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, tại cuộc họp lần thứ 3 Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26, trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tổng hợp báo cáo Chính phủ về những bất cập trong quy định hiện hành để tạo thông thoáng cho phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra khảo sát, đánh giá tác động môi trường trên biển, phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi. Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

Quang cảnh cuộc họp

Về các vướng mắc hiện nay, theo Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo thì công nghiệp phát triển điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới không chỉ đối với Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Vì vậy, quy định pháp luật về lĩnh vực này chưa theo kịp với thực tế là điều khó tránh khỏi.

Cụ thể, Nghị định số 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ chưa quy định đầy đủ hồ sơ, tài liệu, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết việc chấp thuận đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển; chưa quy định thời hạn chấp thuận; chưa quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải gửi báo cáo kết quả khảo sát cho các cơ quan quản lý nhà nước. 

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, bổ sung các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ khảo sát điện gió ngoài khơi như tiêu chí lựa chọn nhà phát triển dự án khi có nhiều đề xuất khảo sát trên cùng một vùng biển hoặc các đề xuất có sự giao thoa, chồng lấn hay tiêu chí xác định diện tích biển tối ưu phục phụ khảo sát điện gió ngoài khơi… Đây cũng chính là những vấn đề được đưa ra tham vấn tại cuộc họp này.

Theo ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), dự thảo Quy hoạch điện VIII đã đề ra mục tiêu phát triển 7 GW điện gió ngoài khơi đến năm 2030, trong đó 4 GW ở phía Bắc và 3 GW ở phía Nam. Bên cạnh những thuận lợi để Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi như có vùng biển rộng, nhiều khu vực biển có tiềm năng phát triển điện gió cao thì còn có những vướng mắc cho cả cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư chẳng hạn như hạ tầng truyền tải điện, tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ khảo sát điện gió ngoài khơi hầu như chưa có, quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án nguồn điện chưa được hoàn thiện.

Theo ông Hùng, ở đa số quốc gia phát triển, chính phủ bố trí nguồn lực để thực hiện khảo sát, bên cạnh đó còn tổ chức đấu thầu khu vực biển để nhà phát triển dự án tổ chức nghiên cứu, khảo sát điện gió ngoài khơi. Cách tiếp cận này cũng cần được quan tâm, nghiên cứu khả năng áp dụng ở Việt Nam.

Thêm vào đó, để có cơ sở tổ chức khảo sát điện gió ngoài khơi một cách hiệu quả và bài bản, cần có căn cứ như quy hoạch không gian biển, trong đó có phân vùng khu vực biển cho phát triển điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi; đồng thời cần có các quy định cụ thể để hạn chế tình trạng trong cùng một khu vực biển có nhiều tổ chức thực hiện khảo sát, cũng như không nên có sự giao thoa, chồng lấn trong quá trình khảo sát.

Cần có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi

Tham luận tại cuộc họp, ông Sebastian Hald Buhl, đại diện liên danh T&T và Orsted (Đan Mạch) nêu 3 nguyên tắc cơ bản trong công tác giao biển được áp dụng thành công trên thế giới. Theo đó, nguyên tắc đầu tiên là cần "cấp giấy phép khảo sát sớm" bởi công tác khảo sát khu vực dự án thường mất đến 3 năm trong khi các hạng mục như thiết kế chi tiết và mua sắm chỉ có thể được tiến hành sau khi hoàn thành việc khảo sát.

Nguyên tắc thứ hai là "tránh chồng lấn" do chi phí phát triển một dự án điện gió ngoài khơi công suất 1 GW tiêu tốn khoảng 150 triệu USD, các nhà đầu tư thường do dự không muốn đầu tư khoản tiền lớn nếu như không được trao quyền khảo sát độc quyền với khu vực dự án. Việc cho phép nhiều bên cùng triển khai khảo sát tại cùng một khu vực sẽ dẫn đến rủi ro "nhân đôi" chi phí vốn đã đắt đỏ của công tác khảo sát. 

Nguyên tắc thứ ba là "tách biệt giấy phép khảo sát với việc chấp thuận phát triển dự án". Do đó, việc tách biệt sẽ cho phép các nhà đầu tư học hỏi và hoàn thiện dần các dự án của mình theo giai đoạn và chuẩn bị tốt hơn cho các vòng tuyển chọn dự án trong tương lai, từ đó xây dựng được một danh mục dự án tốt và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Theo ông Sebastian Hald Buhl, cần đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên gió ngoài khơi của Việt Nam bằng việc áp dụng các tiêu chí sơ tuyển khi phê duyệt và cấp giấy phép khảo sát biển. Giấy phép khảo sát độc quyền cần được cấp sớm và tránh chồng lấn. Bên cạnh đó, các nhà quản lý cần tận dụng các quy định và thực tiễn hiện có mà có thể áp dụng được cho quy trình phát triển điện gió ngoài khơi để tránh trì hoãn và chậm tiến độ. Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam sẽ không thể phát triển nếu các nhà đầu tư chưa được cấp giấy phép khảo sát biển trong khi thời gian còn lại để thực hiện các mục tiêu năm 2030 không còn nhiều.

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng thảo luận về chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kỳ vọng của các nhà phát triển dự án trong hoạt động đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên vùng biển Việt Nam; đề xuất các giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi ở Việt Nam...

Kết luận cuộc họp, ông Trương Đức Trí cho biết, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ cùng với các cơ quan liên quan của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu ý kiến góp ý tại cuộc họp này, hoàn thiện các quy định pháp lý và quy định kỹ thuật liên quan đến phát triển điện gió ngoài khơi để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. 

Ông Trí cũng mong muốn các nhà phát triển dự án tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chia sẻ, cập nhật thông tin, đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hoàn thiện những quy định liên quan để sớm có được các trang trại điện gió ngoài khơi, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

Nhã Quyên