Thúc đẩy triển khai các cam kết ứng phó biến đổi khí hậu tại COP26

Thứ hai, 29/8/2022 | 17:11 GMT+7
Ngày 29/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh COP26 để thảo luận về việc thúc đẩy triển khai các cam kết ứng phó biến đổi khí hậu tại COP26 và hướng tới COP27.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chào mừng ông Alok Kumar Sharma, Chủ tịch COP26 cùng các đồng nghiệp tại Vương quốc Anh và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đến làm việc.

Trao đổi với ông Alok Kumar Sharma, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, bên cạnh những báo cáo mà Bộ đã chia sẻ với Chủ tịch COP26 tại những buổi làm việc trước, ngay đầu tháng 9 này, Bộ TN&MT tiếp tục chủ trì tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và các đối tác quốc tế để triển khai nhiều công việc trong thời gian tới.

Cụ thể, Bộ TN&MT đang triển khai rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, đảm bảo việc đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam phù hợp với Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Nội dung NDC năm 2022 sẽ bám sát các nội dung trong bản NDC cập nhật năm 2020, bổ sung thêm các hành động để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; tính toán cụ thể các cam kết của Việt Nam đến 2030 trên cơ sở các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Đồng thời, tập trung xây dựng NDC cập nhật và sẽ gửi đến Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) trước Hội nghị COP27.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm việc với Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh COP26

Về quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định rất coi trọng việc hoàn tất đàm phán Tuyên bố chính trị về Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam (JETP) để báo cáo, trình các cấp có thẩm quyền xem xét.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT Việt Nam cũng trao đổi về một số điểm chính cần làm rõ liên quan đến JETP, nhất là trong việc đưa quan điểm công bằng, công lý trong ứng phó với biến đổi khí hậu xuyên suốt quá trình đàm phán và thực hiện Tuyên bố chính trị JETP, đảm bảo trách nhiệm của các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.

Quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng chắc chắn sẽ tác động đến doanh nghiệp và người dân. Cụ thể, chuyển đổi phải bảo đảm lợi ích cho người dân, nhất là những người ở lĩnh vực, khu vực bị tác động từ quá trình chuyển đổi.

Qua đây, Bộ trưởng mong muốn Chủ tịch COP 26 phối hợp trong chỉ đạo nhóm làm việc kỹ thuật của hai bên đàm phán để đi đến thống nhất trong nhận thức và tiến đến thống nhất nội dung Tuyên bố chính trị. Đặc biệt, đề nghị Chủ tịch COP 26 xem xét chỉ đạo, các cơ quan chuyên môn của hai bên để tổ chức các cuộc họp kỹ thuật theo hình thức trực tuyến, lựa chọn một số vấn đề chính như phương pháp luận tính toán về lượng phát thải, thời gian đạt đỉnh phát thải trong lĩnh vực điện, năng lượng… và vấn đề về cơ chế hỗ trợ tài chính, để cung cấp một bức tranh tổng thể về JETP.

Ghi nhận các kết quả Việt Nam đã đạt được và những kế hoạch hành động của Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma cho biết, Chính phủ Anh sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện các cam kết trên.

Hơn nữa, ông Alok Kumar Sharma cũng tán thành quan điểm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về việc cần có cơ quan điều phối để các bên khi tiến hành hợp tác sẽ thống nhất được các điều kiện về cơ chế chính sách, tài chính để cùng hướng tới mục tiêu đã cam kết và hướng tới COP27. Đồng thời, cam kết tiếp tục vận động các bên cung cấp nguồn tài chính ổn định, rõ ràng về tổng vốn và lộ trình cung cấp cho Việt Nam để chủ động thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.

Huyền Dung (T/H)