Nông nghiệp sạch

Tiền Giang: Mô hình HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Thứ tư, 20/10/2021 | 16:43 GMT+7
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nông nghiệp của nông dân cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Trước thực tế này, nhiều hộ nông dân ở Tiền Giang đã áp dụng mô hình canh tác sạch kết hợp với công nghệ và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kết hợp công nghệ cao, sản xuất sạch. Mô hình có nhiều ưu điểm vượt trội hơn canh tác rau theo kiểu truyền thống, trong đó có ứng dụng công nghệ tưới tiêu tự động, nhà màng hiện đại và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

Khi tham gia HTX, người nông dân được hướng dẫn áp dụng trồng rau theo kiểu mới, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư nhà màng, nhà lưới, tưới phun tự động. Trồng rau trong nhà lưới vừa bảo vệ cây trồng hiệu quả khỏi sâu bệnh gây hại vừa hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, cây rau trồng trong nhà màng cũng không bị tác động bởi yếu tố thời tiết, giúp rau trồng đạt năng suất cao hơn so với trồng ngoài mô hình. Cây trồng khỏe mạnh sẽ giúp tiết kiệm thời gian và công sức chăm sóc của người lao động, từ đó làm giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận.

Trồng rau xanh trong nhà màng ở Tiền Giang

Ông Lê Văn Hoàng, hộ sản xuất rau xanh kết hợp nhà màng tại xã Tân Đông, huyện Gò Công Tây cho biết, với mô hình trồng rau áp dụng khoa học kỹ thuật theo quy trình VietGAP thì người nông dân có thể trồng gần như quanh năm, khoảng 9 - 10 vụ.

Đáng lưu ý, với mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo HTX, nông hộ sẽ được hợp tác với các doanh nghiệp và hộ thành viên trong HTX. Qua đó sẽ thường xuyên nhận được thông tin, kinh nghiệm hữu ích về dự báo thời vụ; tình hình tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trước mắt và lâu dài; khuyến cáo lịch xuống giống các loại rau, củ, quả và thời điểm gieo trồng phù hợp.

Ngoài việc đảm bảo các sản phẩm rau sản xuất phải đạt yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, xã viên trong HTX còn được ký bao tiêu sản phẩm, chia sẻ những rủi ro có thể gặp phải trong suốt quá trình sản xuất, tiêu thụ để không xảy ra tình trạng đổ bỏ sản phẩm.

Nhờ mô hình HTX, doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Tiền Giang đã xây dựng được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm với các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, giúp đầu ra tương đối ổn định, ngay cả trong thời gian giãn cách do dịch bệnh Covid-19.

Đến nay, số lượng đơn đặt hàng của HTX sản xuất rau sạch ngày càng tăng mạnh nhờ chất lượng sản phẩm tốt, nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt sau khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát.

Lam An (t/h)