Kinh tế xanh

Tọa đàm về phát triển thị trường carbon, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Thứ ba, 28/11/2023 | 11:05 GMT+7
Trong khuôn khổ sự kiện công bố Giải báo chí Phát triển xanh lần thứ nhất vừa diễn ra tại TPHCM, Trung tâm Văn hóa báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức các phiên tọa đàm “Kinh tế tuần hoàn - từ thực tiễn đến chính sách” và “Thị trường tài chính carbon: Cơ hội và thách thức”.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách cùng thảo luận, trao đổi và đề xuất ý kiến liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE), kinh tế xanh, kinh tế carbon, thị trường carbon... không chỉ là một vấn đề môi trường mà còn là một thời đại kinh tế, thời đại chuyển đổi bắt buộc về phát thải, chỉ số carbon... 

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (TN&MT) chia sẻ, vai trò của các doanh nghiệp trong việc giảm phát thải là rất quan trọng. Hiện nay, việc chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc của doanh nghiệp. Với khái niệm thể chế kinh tế tuần hoàn từ Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ đặt ra yêu cầu kinh tế phải vượt trội hơn về các quy định liên quan đến phân loại rác thải tại nguồn, quy định về người sản xuất, nhãn kinh tế tuần hoàn sinh thái.

Quang cảnh tọa đàm

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT Bùi Đức Hiếu cho rằng, hiện nay thị trường tín chỉ carbon trên thế giới hoạt động rất sôi động, ở khắp các châu lục, tuy nhiên mỗi một quốc gia, khu vực đều có cách thức và lịch sử vận hành khác nhau.

Đối với Việt Nam, nước đang phát triển, nền kinh tế, sản xuất đang có độ mở cao, nếu nước ta áp dụng sớm thị trường carbon thì các doanh nghiệp bắt buộc phải giảm phát thải. Điều này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế và doanh nghiệp phải bỏ rất nhiều chi phí để chuyển đổi công nghệ xanh.

Theo ông Bùi Đức Hiếu, doanh nghiệp sẽ có nhiều mặt lợi cũng như thách thức phải đối mặt trong cuộc chơi hướng tới phát thải ròng bằng “0” (net zero) và thị trường carbon. Về mặt vĩ mô, doanh nghiệp giảm phát thải, tham gia thị trường carbon sẽ đồng nghĩa với việc cùng Chính phủ thực hiện cam kết quốc tế trong giảm phát thải, trực tiếp đóng góp vào công cuộc bảo vệ nhân loại trước tác động của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp khi tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn, thị trường carbon còn nhận được một số lợi ích trực tiếp như: tăng thương hiệu của doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp có nhiều điểm cộng trong đàm phán, xuất khẩu sản phẩm; giúp doanh nghiệp thay đổi mô hình sản xuất, công nghệ để tồn tại và phát triển; tạo ra tín chỉ để bán ra thị trường, thu về lợi nhuận.

Riêng với các doanh nghiệp trung gian mua bán tín chỉ, sàn giao dịch carbon, ông Bùi Đức Hiếu nhấn mạnh, đây cũng là cơ hội có thêm một sản phẩm để kinh doanh trao đổi. 

Trước đó, câu lạc bộ Báo chí Phát triển xanh hướng đến net zero carbon (Green Media HUB), Trung tâm Văn hoá Báo chí cùng các cơ quan liên quan tổ chức lễ công bố giải Báo chí Phát triển xanh lần thứ nhất. Giải báo chí góp phần tạo nên hiệu ứng tích cực bằng việc thúc đẩy các sáng kiến quan trọng, nâng cao nhận thức về sự cần thiết, trách nhiệm tiên phong của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế xanh của Việt Nam. Các tác phẩm tham dự giải phải phản ánh về những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tài chính xanh, thúc đẩy thị trường carbon… thực hiện cam kết của Việt Nam về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Giải báo chí Phát triển xanh tiếp nhận tác phẩm dự thi từ nay đến ngày 28/2/2025, bao gồm các thể tài và loại hình báo chí. Thời gian trao giải dự kiến diễn ra vào tháng 6/2025.

Gia Bách (T/H)