Đời sống, xã hội

Tuyển sinh 2019: Ngành nông, lâm nghiệp thiếu thí sinh trầm trọng

Thứ sáu, 23/8/2019 | 09:00 GMT+7
Nhiều ngành đào tạo như nông, lâm, thủy sản… mùa tuyển sinh năm nay vẫn èo uột người học dù đây là ngành được đánh giá có thể tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Có trường không tuyển được sinh viên nào.

Ngành nông, lâm, thủy sản “ngóng” thí sinh

Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM vừa quyết định tuyển sinh bổ sung đối với một số ngành thuộc hệ đào tạo đại học, trong đó có các ngành như Công nghệ chế biến thủy sản, Khoa học thủy sản… Mức điểm chuẩn dự kiến của đợt tuyển sinh bổ sung là điểm chuẩn của đợt tuyển sinh lần thứ nhất, hình thức tuyển sinh bằng điểm thi THPT Quốc gia năm 2019. Thời gian tuyển sinh bắt đầu từ ngày 28/8.

Trước đó, kết thúc đợt 1, có gần 3.000 thí sinh xác nhận nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, đạt hơn 72% số thí sinh trúng tuyển được gọi nhập học. Với chỉ tiêu tuyển sinh năm nay ở mức 3.500 thí sinh, trường đã tuyển được 83% chỉ tiêu. Trong đó, các ngành như Công nghệ thực phẩm, Quản trị kinh doanh, Quản trị du lịch và lữ hành, tỉ lệ thí sinh nhập học đạt gần 90% chỉ tiêu.

Ngược lại, các ngành Công nghệ chế biến thủy sản, Khoa học thủy sản, Công nghệ vật liệu, Công nghệ kỹ thuật môi trường có số lượng nhập học thấp, chỉ đạt gần 30% chỉ tiêu. ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho rằng, các ngành có số thí sinh nhập học thấp thông thường có lượng đăng ký xét tuyển rất ít, không riêng trường này mà hầu hết các trường ĐH khác cũng vậy.

Mùa tuyển sinh 2019, nhiều ngành nông, lâm, thủy sản thiếu trầm trọng thí sinh dự tuyển

Do đó, điểm chuẩn những ngành này ở các trường thường rất thấp. Trong khi, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học cũng không cao, chỉ khoảng 50%. Phần lớn các em chọn những nguyện vọng khác thay cho các khối ngành nông nghiệp, thủy sản…

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, vừa “gánh” trọng trách đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia, vừa chịu trách nhiệm cung cấp sản phẩm nông nghiệp chính cho xuất khẩu như lúa gạo, cá tôm, trái cây… Do đó, nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp tại các địa phương là rất lớn.

Thế nhưng, trên thực tế, các ngành đào tạo nông nghiệp, thủy hải sản ở các trường đại học địa phương như ĐH Bạc Liêu, ĐH An Giang, ĐH Tây Đô… đều rất khó tuyển sinh. Tại trường ĐH Bạc Liêu, từ năm 2017 đến nay, các ngành đào tạo như Bảo vệ Thực vật, Chăn nuôi không có thí sinh nào trúng tuyển. Các ngành khác như Nuôi trồng thủy sản, Khoa học môi trường… cũng rất khó tuyển sinh dù điểm chuẩn chỉ ở mức 14 điểm.

Điểm chuẩn thấp, vẫn khó tuyển sinh

Trong khi đó, ĐH Nông Lâm TP.HCM được xem như “anh cả” trong đào tạo các ngành nông, lâm nghiệp, mùa tuyển sinh 2019, trường cũng phải tuyển sinh bổ sung cho hai phân hiệu tại Gia Lai và Ninh Thuận.

Cụ thể, phân hiệu tại Ninh Thuận trường xét tuyển bổ sung 7 ngành, trong đó có các ngành như Nông học, Nuôi trồng thủy sản, Thú y, Công nghệ Thực phẩm…, mỗi ngành 20 chỉ tiêu. Phân hiệu tại Gia Lai cũng xét tuyển bổ sung 8 ngành, mỗi ngành 20 chỉ tiêu.

Điểm nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức xét điểm thi THPT các ngành chỉ từ 14 trở lên, trừ ngành thú y nhận từ 15 điểm trở lên. Điểm này là tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển, chưa nhân hệ số và đã gồm điểm ưu tiên. Đối với phương thức xét tuyển học bạ THPT, điểm xét tuyển đạt từ 18 trở lên. Đây là tổng điểm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên, không có môn nào trong tổ hợp điểm dưới 5 điểm.

Sinh viên nông nghiệp, thủy hải sản dễ dàng tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp trong thời buổi rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), cho biết, nhiều năm qua, những ngành nông, lâm, thủy sản thường lấy điểm chuẩn thấp hơn các ngành đào tạo khác. Đây là những ngành đào tạo sinh viên có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm với mức lương khá ổn sau khi tốt nghiệp, nhất là trong tình hình nông nghiệp phát triển, nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao… như hiện nay.

Tuy nhiên, do tâm lý e ngại việc nông nghiệp, đồng áng… vốn đã gắn với gia đình nhiều thế hệ, các bậc phụ huynh thường hướng con cái thoát ra khỏi ngành nông nghiệp khi chọn sự nghiệp. Hơn nữa, hiểu biết của học sinh, phụ huynh về đào tạo ngành nông nghiệp cũng chưa “tới nơi tới chốn”, lo ngại vất vả nên số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành này thường rất thấp.

Nhiều trường tài nguyên, môi trường khó tuyển sinh

Không chỉ các ngành nông, lâm thủy sản trong các trường ĐH “ế” thí sinh, các trường đào tạo khối ngành tài nguyên môi trường như ĐH Thủy lợi, ĐH Tài nguyên Môi trường TP.HCM… cũng rơi vào tình trạng khó tuyển sinh.

Dù sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh nhưng kết thúc đợt 1, ĐH Tài nguyên Môi trường TP.HCM còn thiếu rất nhiều so với số chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019. Do đó, hội đồng tuyển sinh trường đã quyết định tuyển sinh bổ sung đợt 1 dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia với 800 chỉ tiêu ở 13 ngành, điểm sàn xét tuyển từ 14. Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 19 - 26/8.

Hay như ĐH Thủy Lợi tuyển sinh bổ sung đợt 1 đối với các ngành đào tạo tại cơ sở chính Hà Nội với 290 chỉ tiêu, ở 13 ngành, dựa trên phương thức xét điểm thi THPT quốc gia. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các ngành trong đợt tuyển sinh bổ sung này được quy định từ 14 đến 15 điểm.

Theo Danviet