Việt Nam tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Thứ tư, 27/3/2024 | 10:25 GMT+7
Ngày 26/3, tại TPHCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo tham vấn các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán, kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Theo ban tổ chức hội thảo, Bản dự thảo số “0” sửa đổi do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) xuất bản vào tháng 12/2023 bao gồm 6 phần chính. Hầu hết quan điểm từ những quốc gia thành viên và tổ chức quốc tế trong các phiên đàm phán trước đó đã tập trung thảo luận và đề xuất lựa chọn các chủ đề chính trong giải quyết ô nhiễm từ nhựa gồm: danh mục hóa chất và polymer cần quan tâm; các sản phẩm nhựa có vấn đề và cần tránh; thiết kế sản phẩm; thành phần, tính năng của sản phẩm, các sản phẩm thay thế không phải nhựa; cơ chế thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); phát thải và thải bỏ trong suốt vòng đời của nhựa và quản lý chất thải.

Xây dựng kịch bản tái chế nhựa, quản lý chất thải

Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa ngay khi được thông qua sẽ tác động trực tiếp đến ngành công nghiệp, sản xuất, các doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng ở các mức độ khác nhau. Thỏa thuận cũng sẽ thay đổi mô hình kinh tế về nhựa, từ khâu thiết kế, sản xuất, tiêu thụ và thải bỏ trên phạm vi toàn cầu. Việc chủ động, tích cực tham gia vào quá trình đàm phán, một mặt thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong nỗ lực chung toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa, mặt khác sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong tương lai.

Các đại biểu đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức xã hội và đơn vị nghiên cứu tham gia hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiên liên quan tới kế hoạch quốc gia hướng đến thực hiện khung ràng buộc pháp lý quốc tế đầy tham vọng trong chấm dứt ô nhiễm nhựa, kỳ vọng sẽ chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2024 hoặc đầu 2025.

Cụ thể, cơ chế thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) thực sự là một công cụ hữu ích thu hút sự tham gia của nhà sản xuất, thúc đẩy các giải pháp thay thế nhựa, thân thiện với môi trường và khơi dòng các khoản đầu tư tiềm năng một cách hiệu quả để chống lại ô nhiễm nhựa, cũng như hỗ trợ quá trình chuyển đổi công bằng của lực lượng phi chính thức trong hệ thống quản lý chất thải nhựa. Đồng thời, cách tiếp cận xuyên suốt vòng đời nhựa cũng đòi hỏi sự đóng góp và hợp tác liên ngành, liên lĩnh vực từ công nghiệp, môi trường, thủy sản, nông nghiệp, du lịch, thông tin và truyền thông đến thương mại điện tử.

Mỹ Dung (T/H)