Bất động sản

Bản tin bất động sản số 1/2020

Thứ hai, 6/1/2020 | 22:37 GMT+7
Cắt xén khu lấn biển để làm tòa nhà 40 tầng và công viên, thị trường bất động sản gặp khó vì thủ tục hành chính… là những tin tức bất động sản nổi bật trong tuần qua.

Cắt xén khu lấn biển để làm tòa nhà 40 tầng và công viên

Ngày 30/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu ký quyết định phê duyệt nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án khu Mũi Tấn (tại phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) của Công ty CP Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn (gọi tắt Hưng Thịnh Quy Nhơn).

Dự án khu Mũi Tấn có tổng diện tích xây dựng trên 7,3ha, gồm tòa nhà 40 tầng nổi (với khu khách sạn 467 phòng và khu căn hộ có 1.646 căn), tuyến kè biển với tổng diện tích gần 1.500m; các hạng mục: khu công viên vui chơi, giải trí, bãi đậu xe, khu nhà hàng ăn uống kết hợp bến tàu ca nô…

Khu lấn biển Mũi Tấn sẽ được xén đi gần 5ha để đầu tư tòa nhà 40 tầng và công viên. ( Ảnh: Ngọc Oai)

Tổng diện tích được cắt xén, nạo vét lại ở khu lấn biển Mũi Tấn là gần 4,9ha. Năm 2013, tỉnh Bình Định cho phép một doanh nghiệp triển khai san lấp, lấn biển tại Mũi Tấn với hơn 12ha làm cáp treo, phục vụ mục đích du lịch.

Tuy nhiên, khi lấn biển xong, doanh nghiệp này không làm cáp treo nữa mà muốn xây dựng biệt thự cao tầng ở khu lấn biển Mũi Tấn nhưng tỉnh không đồng ý vì không phù hợp quy hoạch không gian ven biển TP Quy Nhơn. Từ đó, khu lấn biển bị bỏ hoang, đến nay thì được Hưng Thịnh Quy Nhơn tiếp nhận triển khai.

Bộ VHTTDL thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo di tích Nhà lưu niệm Bùi Viện, tỉnh Thái Bình

Theo đó, Bộ VHTTDL thỏa thuận dự án tu bổ, tôn tạo di tích Nhà lưu niệm Bùi Viện với nội dung: tôn tạo, xây mới nhà tưởng niệm (gồm nhà tưởng niệm, cổng phụ, bình phong, lầu hóa vàng, nhà vệ sinh, sân vườn, tường rào và điện chiếu sáng).

Từ đường Bùi Viện, xã An Ninh, huyện Tiền Hải.( Ảnh: báo Thái Bình)

Tuy nhiên, Bộ VHTTDL lưu ý: đối với phương án nhà tưởng niệm, để hài hòa với các công trình di tích và khuôn viên di tích, cần điều chỉnh phương án thiết kế công trình theo hướng công trình bố cục mặt bằng chữ Đinh (tòa phía trước 3 gian 2 chái), 3 bậc cấp (không nên làm 5 bậc và không làm rồng thành bậc), chiều cao từ mặt nền công trình đến dạ tàu thiết kế tối đa 2,7m. Đồng thời, giảm tối đa các trang trí trên tường rào và sử dụng đèn pha đặt trong các góc khuất để chiếu sáng di tích.

Hồ sơ dự án cần bổ sung phương án bố trí nội thất nhà tưởng niệm trình cơ quan chức năng thẩm định; điều chỉnh phương án thiết kế bình phong theo hướng không xây dựng phần bệ đắp kỷ hà.

Bộ VHTTDL có ý kiến để UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trước khi triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.

Hà Nội: Quy hoạch xây dựng trường Đại học Quốc tế rộng hơn 9ha tại Hòa Lạc

Bộ Xây dựng vừa có Quyết định số 1074/QĐ-BXD phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trường Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG) tại Hòa Lạc.

Theo đó, khu vực lập quy hoạch chi tiết xây dựng trường Đại học Quốc tế thuộc ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội với diện tích 9,22ha. Phía Đông giáp khu ký túc xá sinh viên số 5, phía Tây giáp trường Đại học Khoa học Công nghệ, phía Nam là đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, phía Bắc giáp trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.

Khu vực lập quy hoạch chi tiết xây dựng trường Đại học Quốc tế thuộc ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc

Quy mô đào tạo dự kiến đến năm 2020 là 2.100 sinh viên, năm 2025 là 4.030 sinh viên và năm 2030 là 6.000 sinh viên. Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hóa điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc; xây dựng trường Đại học Quốc tế hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan hài hòa cảnh quan chung của ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc.

Đại học Quốc tế thuộc ĐHQG Hà Nội là khu trung tâm đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tri thức, tiên phong theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, có tính hội nhập cao, đạt chuẩn kiểm định quốc tế, trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo quốc tế trong ĐHQG Hà Nội.

Dự án được giao cho ĐHQG Hà Nội chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo tổ chức việc lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trường Đại học Quốc tế thuộc ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc.

Hà Nam mời gọi đầu tư xây Bệnh viện Nhi kết hợp khu nhà ở hơn 4.000 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam vừa công bố danh mục Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi chất lượng cao và khu nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại hỗn hợp. Đây là dự án sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư với tổng chi phí thực hiện 4.091 tỷ đồng.

Diện tích khu đất quy hoạch thực hiện dự án khoảng 16,6 ha, tại xã Liêm Tuyền, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, hiện chưa giải phóng mặt bằng. Theo quy hoạch, Bệnh viện Nhi có quy mô 700 giường. Khu nhà ở gồm đất xây dựng nhà ở khoảng 40,81%, đất dịch vụ khoảng 5,29%, đất cây xanh thể dục thể thao, mặt nước 20,39%, đất giao thông 33,51%. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 đến 2025, trong đó thời gian khởi công xây dựng Bệnh viện Nhi chất lượng cao dự kiến trước quý IV/2020.

Ban Quản lý phát triển khu đô thị mới Hà Nam được giao là bên mời thầu dự án.

Thị trường bất động sản gặp khó vì thủ tục hành chính

Theo Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, năm 2019 mặc dù thị trường bất động sản giảm sút về nguồn cung mới nhưng tỷ lệ giao dịch thành công và tỷ lệ lấp đầy ở mức cao. Tuy nhiên, việc dừng cấp phép nhiều dự án mới đang khiến cho nguồn cung trên thị trường ngày càng khan hiếm.

"Thời điểm hiện tại, thị trường vẫn còn lượng hàng từ các dự án đã được phê duyệt, nhưng nguồn hàng này chỉ có thể đáp ứng cho thị trường từ 1 – 2 năm tới. Nếu như tình trạng này tiếp diễn thì đến thời điểm đó cung không đủ cầu, thị trường sẽ gặp khủng hoảng lớn. Trong đó, thị trường Hà Nội được dự báo sẽ hết hàng sớm hơn TPHCM”, ông Đính nhìn nhận.

Năm 2019, nguồn cung bất động sản có chiều hướng giảm sút, đặc biệt tại hai TP lớn là Hà Nội và TPHCM. Tổng nguồn cung nhà ở căn hộ tại Hà Nội giảm 24% so với năm 2018, lượng giao dịch cũng giảm khoảng 28%; trong khi đó tại TPHCM mức độ giảm còn mạnh hơn, tổng nguồn cung giảm gần 52%.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, với việc nguồn cung dự trữ vẫn còn thì bước sang năm 2020 thì trường bất động sản sẽ vẫn tiếp tục hoạt động ổn định. Nhưng với việc rà soát, dừng – giãn thời gian cấp mới dự án và các vấn đề liên quan đến các thủ tục hành chính thì sẽ bị mất cân đối về nguồn cung so với cầu.

Quan hệ cung – cầu bắt đầu mất cân đối trong năm 2019 vì thế đã đẩy giá các sản phẩm bất động sản lên cao. Tính bình quân, mức giá bán ở Hà Nội tăng thêm 6% và giá bán ở TPHCM tăng thêm 12%.

Tổng diện tích nhà ở đạt khoảng 50 triệu m2 sàn

Trong năm 2019, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 41/QĐ-BXD, xác định rõ những bứt phá để phát triển trong từng lĩnh vực, phân công rõ các đơn vị chủ trì nhằm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tăng trưởng trong năm 2019 của ngành xây dựng.

Kết quả, trong năm 2019, ngành xây dựng đã hoàn thành kế hoạch công tác năm ở hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch chính, cụ thể: hoạt động xây dựng tăng trưởng khoảng 9,2% so với cùng kỳ năm 2018, đạt kế hoạch năm; tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 39,2%, tăng 0,8% so với năm 2018; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống nước sạch tập trung đạt khoảng 88%, tăng 2% so với năm 2018.

Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt khoảng 86,5%, tương đương năm 2018; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn 20%, giảm 1,5% so với năm 2018; tổng lượng xi măng tiêu thụ khoảng 98 triệu tấn, đạt kế hoạch và tăng 3 triệu tấn so với năm 2018; gạch xây dựng đạt 26 tỷ viên, đạt kế hoạch và tương đương với năm 2018, trong đó gạch nung đạt 20 tỷ viên và gạch không nung đạt 6 tỷ viên.

Đặc biệt, tổng diện tích nhà ở trong năm 2019 đã tăng lên khoảng 50 triệu m2 sàn, trong đó nhà ở xã hội có thêm 4.110 căn với tổng diện tích 205.000 m2.

Hoàng Mai