Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 6/2020

Thứ hai, 17/2/2020 | 08:30 GMT+7
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra những đề xuất về đấu thầu điện mặt trời tại nước ta trong báo cáo có tiêu đề “Chiến lược và khung đấu thầu cạnh tranh dự án điện mặt trời ở Việt Nam”.

WB đề xuất chiến lược và khung đấu thầu điện mặt trời ở Việt Nam

Báo cáo Chiến lược và khung đấu thầu cạnh tranh dự án điện mặt trời ở Việt Nam” là kết quả hợp tác kỹ thuật giữa WB và Chính phủ Việt Nam trong 2 năm qua nhằm mở rộng quy mô và quản lý hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời dồi dào tại Việt Nam. Phát triển các dự án điện mặt trời mới là một yếu tố quan trọng giúp Chính phủ Việt Nam đạt các mục tiêu biến đổi khí hậu về cắt giảm khí thải trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và giảm nhu cầu phát triển các dự án điện than mới.

WB ước tính tăng công suất điện mặt trời ở Việt Nam có thể tạo ra khoảng 25.000 việc làm mới mỗi năm trong lĩnh vực phát triển dự án, dịch vụ, vận hành và bảo trì cho tới năm 2030

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang cân nhắc chuyển từ chính sách giá bán điện mặt trời ưu đãi cố định (FIT) sang đấu thầu cạnh tranh cho các dự án điện mặt trời để giảm chi phí sản xuất điện. Trong những năm gần đây, FIT đã thành công trong việc thúc đẩy triển khai nhanh các dự án trong bối cảnh Việt Nam cũng trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất module năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, thành công này cũng làm phát sinh những vấn đề mới, trong đó có rủi ro “giảm phát” – hiện tượng các dự án điện mặt trời phải hoạt động dưới công suất phát điện lắp đặt.

Báo cáo này do Quỹ Hạ tầng Toàn cầu (GIF) và Chương trình hỗ trợ quản lý ngành năng lượng của Ngân hàng Thế giới (WB - ESMAP) tài trợ. Báo cáo kiến nghị 2 phương án mới triển khai dự án: đấu thầu cạnh tranh công viên điện mặt trời và “đấu thầu cạnh tranh theo trạm biến áp” - đấu thầu cạnh tranh dựa vào công suất khả dụng ở các trạm biến áp điện/lộ đường dây. Các phương pháp tiếp cận này sẽ giải quyết được vấn đề về giảm phát cũng như cải thiện chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân.

Ngoài những cách tiếp cận mới về đấu thầu cạnh tranh, báo cáo cũng khuyến nghị cần đặt ra mục tiêu triển khai điện mặt trời hàng năm và trong trung hạn đồng thời sửa đổi khung pháp lý liên quan đến các quy định về lựa chọn cạnh tranh các đơn vị sản xuất điện độc lập.

Báo cáo ước tính tăng công suất điện mặt trời ở Việt Nam có thể tạo ra khoảng 25.000 việc làm mới mỗi năm trong lĩnh vực phát triển dự án, dịch vụ, vận hành và bảo trì cho tới năm 2030 và 20.000 việc làm khác trong lĩnh vực sản xuất nếu Việt Nam duy trì được thị phần hiện tại của mình trong thị trường thiết bị điện mặt trời toàn cầu.

Đợt đấu thầu thí điểm đầu tiên - đấu thầu cạnh tranh quy mô 500 MW theo trạm biến áp và 500 MW công viên điện mặt trời mặt đất dự kiến bắt đầu vào nửa cuối năm 2020 với hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của WB.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam cho biết: “Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt được tham vọng năng lượng bền vững của mình. Chúng tôi mong chiến lược này sẽ mở ra một chương mới về phát triển điện mặt trời vốn đã rất thành công ở Việt Nam”.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đánh giá: “Hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới cho Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi từ chính sách giá bán điện mặt trời cố định sang chính sách đấu thầu cạnh tranh các dự án điện mặt trời và xa hơn nữa để áp dụng cho phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo khác giúp lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam phát triển bền vững, minh bạch, cạnh tranh và đảm bảo hài hòa lợi ích nhà đầu tư - nhà nước - người dân”.

Diễn đàn cấp cao về phát triển năng lượng quốc gia 2020

Diễn đàn cấp cao về phát triển năng lượng quốc gia 2020 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đồng chủ trì dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/2 tới đây tại Hà Nội.

Sự kiện dự kiến quy tụ hơn 1.000 đại biểu và hơn 50 diễn giả. Diễn đàn được đánh giá là sự kiện uy tín ngành năng lượng Việt Nam năm 2020 nhằm kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách mới của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng quốc gia. Chương trình sự kiện bao gồm một phiên diễn đàn cấp cao, 3 phiên hội thảo chuyên đề và 1 triển lãm về các mô hình, công nghệ năng lượng hiện đại.

Diễn đàn cấp cao về phát triển năng lượng quốc gia 2020 chuẩn bị diễn ra

Những nội dung thảo luận chính của diễn đàn gồm: định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong chuyển dịch cơ cấu năng lượng; phát triển năng lượng tái tạo tại châu Âu và kinh nghiệm cho Việt Nam; phát triển khí thiên nhiên trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Công nghệ thông minh cho tiết kiệm năng lượng trong các đô thị; tiết kiệm năng lượng cho ngành chế tạo - trường hợp nhà máy dệt may với giải pháp máy biến tần; thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong giao thông vận tải; xây dựng và phát triển hạ tầng năng lượng bền vững và thân thiện với môi trường... cũng là những vấn đề được các chuyên gia chia sẻ, trao đổi tại diễn dàn.

Đặc biệt, triển lãm quốc tế về năng lượng trong khuôn khổ diễn đàn hứa hẹn sẽ mang đến cho các khách tham dự nhiều trải nghiệm mới mẻ với những giải pháp mô hình năng lượng thông minh cho nhà máy điện; sản phẩm, mô hình năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối, nhiên liệu sinh học…), các sản phẩm công nghệ hỗ trợ sử dụng năng lượng hiệu quả; giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất; giải pháp tiết kiệm năng lượng cho tòa nhà cao tầng…

Bổ sung dự án Nhà máy điện rác Xuân Sơn vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung dự án Nhà máy điện rác Xuân Sơn, TP Hà Nội vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Ảnh minh họa

Cụ thể, theo văn bản số 200/TTg-CN ngày 07/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương về việc bổ sung dự án Nhà máy điện rác Xuân Sơn vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh với quy mô công suất 15,5MW, đưa vào vận hành năm 2020. Địa điểm triển khai dự án: khu xử lý chất thải Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Nhà máy điện rác Xuân Sơn đấu nối vào hệ thống điện quốc gia bằng cấp điện áp 22kV; danh mục công trình lưới điện đấu nối như đề nghị của Bộ Công Thương tại Công văn số 9611A/BCT-ĐL ngày 16/12/2019.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và UBND TP Hà Nội hướng dẫn, quản lý quá trình chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng dự án theo đúng quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai, quản lý chất lượng và bảo vệ môi trường.

PV