Kinh tế xanh

Bảo vệ môi trường với sáng kiến mượn trả ly cho đồ uống mang đi

Thứ sáu, 3/7/2020 | 14:41 GMT+7
Với mong muốn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa sử dụng một lần, cô gái trẻ Lê Thùy Linh (quận 2, TP.HCM) đã thành lập dự án khởi nghiệp với tên gọi AYA Cup - dự án mượn trả ly cho đồ uống mang đi.

Tháng 5/2020, dự án AYA Cup vừa chiến thắng tại hạng mục sáng kiến nhằm giảm thiểu rác thải nhựa của cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp mang tên "Thử thách lối sống Carbon thấp (Lối sống xanh) châu Á-Thái Bình Dương năm 2020", thuộc cụm chương trình về môi trường của Liên hợp quốc. Giải thưởng trị giá 10.000 USD.

"Ngăn chặn rác tốt hơn là đi dọn rác"

Chị Lê Thùy Linh chia sẻ: "Bản thân tôi đã có một thời gian sống ở châu Âu. Tôi cảm thấy rất yêu thích môi trường ở đây. Về nước, tôi mở một công ty riêng chuyên phân phối hộp đựng thức ăn, ly nước làm bằng bã mía cho các nhà hàng, khách sạn. Sau một thời gian, tôi nhận thấy rằng sản phẩm này quá đắt tiền và chỉ có nhà hàng, khách sạn hạng sang mới có thể chịu được chi phí. Trong khi những quán nhỏ lại chính là những nơi thường xuyên sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần. Tôi nhận ra rằng sử dụng sản phẩm làm từ bã mía chỉ là giải pháp tạm thời, sản phẩm dùng xong cũng phải vứt đi.

Chị Lê Thùy Linh CEO dự án AYA CUP

Sau đó, tôi đã chuyển sang tìm hiểu và tham khảo các nước làm tốt về môi trường để học hỏi các phương pháp. Sau thời gian dài nghiên cứu, cuối cùng, tôi cũng tìm ra được ý tưởng khởi nghiệp là cho mượn ly thay việc dùng ly nhựa tiện dụng một lần rồi vứt bỏ. Ngoài tính chất vì cộng đồng, môi trường, dự án còn là một ví dụ điển hình của kinh tế tuần hoàn".

Theo chị, bản chất của đồ nhựa là bền, nhẹ, dễ sử dụng, nếu dùng xong vứt đi vừa ô nhiễm môi trường vừa lãng phí. Nên tái sử dụng đồ nhựa thay vì vứt đi. Chị nói, ngăn chặn rác tốt hơn là đi dọn rác.

Khi được hỏi về cơ chế hoạt động của AYA Cup, chị Linh cho biết, AYA cung cấp ly có thể tái sử dụng trong quán cà phê, trà sữa và sinh tố ở Sài Gòn. Mọi người có thể sử dụng ly tái sử dụng trong đồ uống mang đi của mình tại các đối tác và có thể trả lại bất kỳ địa điểm nào khác trong hệ thống đối tác của AYA. Một khoản đặt cọc có hoàn lại với giá trị 50.000 đồng cho mỗi ly mượn.

Ở góc độ quán nước, nhà hàng, quán cà phê, khi họ tham gia hệ thống AYA Cup thì họ cũng giải quyết được bài toán về rác thải nhựa, giảm chi phí mua ly nhựa và lượng người tham gia càng đông thì sự thuận tiện sẽ càng được nâng cao. AYA Cup sẽ cung cấp một số lượng ly theo yêu cầu của chủ quán và thu phí hàng tháng từ 300 - 500 nghìn đồng tùy số lượng ly. Người dùng thì không mất chi phí.

Điểm đặc biệt của ly AYA là được làm từ bột khoai mỳ và nhựa. Khi trộn 2 chất liệu này vào với nhau thì vẫn giữ được đặc tính của nhựa, đó là nhẹ, bền và dùng lâu dài. Ly này nếu không dùng nữa, nếu được chôn dưới đất hay bỏ ở các bãi rác bình thường thì bột khoai mỳ sẽ lên men. Với công thức đặc biệt này, cấu trúc chắc chắn của nhựa sẽ bị phá hủy và phân hủy nhanh chóng.

Sản phẩm ly nhựa AYA

Về tên gọi AYA, chị Linh lý giải, trong bảng chữ cái tiếng Việt, A là chữ cái bắt đầu, Y là chữ cái kết thúc. Chính vì vậy, A-Y-A là biểu tượng của một vòng luân hồi trước - sau - trước. Đây cũng là quy trình sử dụng ly trong hệ thống, thể hiện một sản phẩm có nhiều sự hữu dụng. Một chiếc ly không nên chỉ dùng một lần rồi trở thành rác thải có hại với môi trường, mà thay vào đó là sử dụng những loại cốc thân thiện với môi trường và có thể sử dụng càng nhiều lần càng tốt.

Hiện dự án của chị đang trong giai đoạn vừa làm vừa điều chỉnh, chủ yếu ở khu vực Thảo Điền quận 2 với 20 quán. Sắp tới dự án sẽ được mở rộng ra khu vực Phú Mỹ Hưng ở quận 7. Ngoài ra, chị còn hướng tới xây dựng app online để khách hàng có thể mượn ly và đặt cọc thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, chị vẫn đang băn khoăn làm thế nào để người dùng chấp nhận bỏ 50.000 đồng đặt cọc và nhận về một ly nhựa. Đây là cản trở lớn nhất để khách hàng quyết định lựa chọn dịch vụ này hay không. Nhưng nếu khách không đặt cọc tiền thì chắc chắn họ sẽ vứt ly đi. Giá thành của ly nhựa AYA không lớn nhưng khách hàng cần đặt cọc số tiền lớn để họ nhớ và mang trả lại. Thời điểm hiện tại, khu vực thử nghiệm ở Thảo Điền không thấy khách hàng phàn nàn về số tiền đặt cọc. Nhưng nếu muốn nhân rộng hơn thì có lẽ số tiền phải giảm xuống, còn giảm xuống như thế nào thì còn phải thử nghiệm nhiều hơn nữa.

Theo PNVN