02_Tintuc_NewsDetail -3Col

Bình Định: Ðổ đất lấp sông Hà Thanh trước khi có hồ sơ thiết kế

Chủ nhật, 21/5/2017 | 09:59 GMT+7
. Liên quan đến việc thi công lấp dòng chảy nhánh sông Hà Thanh tại KV 1, phường Ðống Ða, TP Quy Nhơn, ngày 18/5, Ðoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Bình Định do Sở Xây dựng chủ trì, đã kiểm tra hiện trường thi công cầu Ðiện Biên Phủ bắc qua sông Hà Thanh (từ KV 1, phường Ðống Ða đến KV 6, phường Nhơn Phú).

 

Dự án kè chống sạt lở và cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát lũ ngập úng sông Hà Thanh do Công ty TNHH Phúc Lộc thi công đã lấn dòng chảy nhánh sông Hà Thanh

Hồ sơ chưa có đã tự ý lấp sông

Sau khi kiểm tra hiện trường công trình thi công, Đoàn kiểm tra đã thống nhất  3 dự án gây ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Hà Thanh, gồm Dự án cầu Hoa Lư, Dự án cầu Điện Biên Phủ, Dự án kè chống sạt lở và cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát lũ ngập úng sông Hà Thanh.

Đáng chú ý, theo kết luận của Đoàn kiểm tra, đối với Dự án cầu Điện Biên Phủ, hiện dòng chảy nhánh sông Hà Thanh (qua KV1, phường Đống Đa và KV6, phường Nhơn Phú, Quy Nhơn) bị lấp gần như toàn bộ để thi công hạ bộ, chỉ chừa lại đoạn sông khoảng 5m và 2 cống đường kính 1m đặt giữa dòng để nước chảy qua. Đây là một hạng mục của dự án xây dựng đường Điện Biên Phủ nối dài, do liên doanh Tập đoàn Phúc Lộc - Thành An đầu tư. Đơn vị trực tiếp thi công là Công ty TNHH  Phúc Lộc.

Trao đổi thêm với PV, ông Lê Văn Lịch, Giám đốc Ban Quản lý dự án Dân dụng và Công nghiệp, cho biết: “Hạng mục cầu Điện Biên Phủ đang trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, biện pháp thi công. Trong khi hồ sơ chưa hoàn thành mà Công ty TNHH Phúc Lộc đã tự ý đổ đất lấp nhánh sông Hà Thanh để thi công là vi phạm pháp luật”.

Theo tìm hiểu của PV, trước việc đơn vị thi công cầu Điện Biên Phủ đổ đất, cát ngăn gần hết sông, gây nguy cơ ngập úng cục bộ nếu có mưa lớn, tháng 4.2017, nhiều hộ dân ở KV 1, phường Đống Đa đã làm đơn kiến nghị lên UBND phường Đống Đa. Kết quả kiểm tra hiện trường của UBND phường Đống Đa và Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Quy Nhơn cho thấy, đoạn nhánh sông từ hồ Phú Hòa đến đường Điện Biên Phủ, đơn vị thi công đã cho san lấp mặt bằng gần 1/4 nhánh sông Hà Thanh. Còn đoạn sông qua tổ 1, KV1 bị đổ đất ngăn hết dòng chảy, chỉ sử dụng 2 cống đường kính 1m cho nước chảy qua.

Kiến nghị tạm dừng thi công

Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiến nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Công ty TNHH Phúc Lộc tạm dừng thi công. Trong thời gian tạm dừng thi công, yêu cầu chủ đầu tư dự án tuyến đường Điện Biên Phủ nối dài (trong đó có hạng mục cầu Điện Biên Phủ) là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Phú Hòa phải có biện pháp đảm bảo tiêu thoát lũ cho nhánh sông Hà Thanh và nhân dân phường Nhơn Phú ở phía thượng lưu lấy nước mặn để nuôi trồng thủy sản; chỉ được phép tiếp tục thi công khi đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý.

Đối với cầu Hoa Lư, Đoàn kiểm tra liên ngành kiến nghị tỉnh chỉ đạo Ban quản lý Dự án giao thông tỉnh yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công phần hạ bộ để đảm bảo tiêu thoát lũ trước mùa mưa và đảm bảo lấy nước mặn cho bà con phường Nhơn Phú để nuôi trồng thủy sản; đề nghị Ban quản lý Dự án giao thông tỉnh phối hợp với TP Quy Nhơn kiểm tra thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản ở phường Nhơn Phú và phường Đống Đa (nếu có).

 

Phải đền bù thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản

“Việc các nhà thầu thi công cầu Hoa Lư (Công ty TNHH Ðinh Phát và Công ty TNHH Ðống Ða liên doanh nhà thầu thi công) và Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc thi công cầu Ðiện Biên Phủ đổ đất, cát chặn dòng sông Hà Thanh làm thay đổi nguồn nước gây thiệt hại cho bà con nuôi trồng thủy sản ở KV6 là vấn đề cần được các đơn vị liên quan của tỉnh vào cuộc kiểm tra, đánh giá. Ðơn vị nào làm sai, làm ảnh hưởng đến dân thì phải đứng ra đền bù hoặc hỗ trợ cho bà con, tạo điều kiện cho dân tái sản xuất, ổn định cuộc sống”.

(Bà Hồ Thị Nữ, cán bộ Khuyến ngư phường Nhơn Phú)

 

Đối với Dự án kè chống sạt lở và cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát lũ ngập úng sông Hà Thanh, nhà thầu đã thi công phần đê quai và chân kè lấn dòng chảy sông làm ảnh hưởng đến dòng chảy của nhánh sông Hà Thanh, gây nguy cơ ngập phía thượng lưu khi xảy ra lũ. Đoàn kiểm tra đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý dự án NN&PTNT phối hợp với đơn vị thi công kiểm tra toàn bộ biện pháp thi công đã được phê duyệt có đúng với đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt hay không; Ban Quản lý dự án NN&PTNT kiểm tra lại toàn bộ tim tuyến đê kè đã được phê duyệt; phối hợp với đơn vị thi công giải phóng mặt bằng để đảm bảo giao mặt bằng sạch trước khi thi công, không ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Dự án đường Ðiện Biên Phủ nối dài được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt tháng 6.2015, dài hơn 2,2km (trong đó cầu Ðiện Biên Phủ dài 151m, rộng 42,5m). Công trình do liên doanh Tập đoàn Phúc Lộc-Thành An đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Công ty TNHH Ðầu tư Phát triển Phú Hòa làm chủ đầu tư. Công ty TNHH Phúc Lộc trực tiếp thi công.

Công trình cầu Hoa Lư do Sở GTVT Bình Định làm chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh làm đại diện chủ đầu tư. Công ty TNHH Ðinh Phát và Công ty TNHH Ðống Ða liên doanh thi công. Cầu Hoa Lư dài hơn 140m, rộng 12m. Tổng vốn đầu tư xây dựng gần 49 tỉ đồng.

 

Tôm cá chết do nước bị ngọt hóa

Bà Hồ Thị Nữ, cán bộ Khuyến ngư phường Nhơn Phú cho biết, việc các đơn vị thi công cầu Hoa Lư và cầu Điện Biên Phủ đã đổ đất, cát trên nhánh sông Hà Thanh đã làm ngọt hóa nguồn nước lợ, nước không đủ nồng độ mặn làm cho tôm, cua thả nuôi bị nhiễm bệnh, chậm lớn, chết non, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nuôi trồng thủy sản của 10 hộ dân ở tổ 1, KV 6 phường Nhơn Phú.

Ông Lê Kim Thắng (54 tuổi, trú tổ 1, KV6, phường Nhơn Phú) buồn bã nói: “Tôi nuôi tôm thẻ chân trắng ở khu vực này từ năm 2012 đến nay, chưa có vụ nào khốn đốn như năm nay. Từ đầu năm 2017 đến nay, tôi thả tất thảy 2 đợt nuôi, mỗi đợt thả khoảng 20.000 con tôm thẻ chân trắng, 3.000 con cua và 1.000 con cá chua thì cả 2 đợt đều chết sạch. Thiệt hại hơn 20 triệu đồng”. Tương tự, ông Nguyễn Văn Định (ở 47 đường Hùng Vương, phường Nhơn Phú) đang thuê 3 ha (18 triệu đồng/ha/năm) mặt nước để nuôi trồng thủy sản cũng đã mất trắng 60 triệu đồng sau 2 đợt thả nuôi.

Không thể chấp nhận được

 “Theo quy định, khi nào nhà đầu tư có đầy đủ hồ sơ thiết kế kỹ thuật, biện pháp thi công và được sự chấp thuận từ cơ quan quản lý nhà nước đại diện cho UBND tỉnh mới được thi công. Ðằng này, hồ sơ chưa có mà đã đổ đất lấp sông để thi công là việc làm không thể chấp nhận được” .

(Ông Lê Văn Lịch, Giám đốc Ban Quản lý dự án Dân dụng và Công nghiệp Bình Định)

 
Hoàng Nguyên