Trong nước

Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn biến phức tạp

Thứ năm, 7/5/2020 | 16:08 GMT+7
Đó là khẳng định của Bộ Công Thương tại báo cáo gửi Quốc hội kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Trong 3 năm 2017, 2018, 2019 và trong quý I năm 2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý trên 307.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 1.900 tỷ đồng.

Một số vụ nổi bật như kiểm tra, xử lý các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới tại Hưng Yên, Hải Phòng, Nha Trang…; kiểm tra phát hiện cơ sở kinh doanh 12.906 ấn phẩm sách có dấu hiệu là sách in lậu tại Hà Nội; cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh phối hợp với lực lượng Công an phát hiện bắt giữ 11.500 kg nội tạng động vật không nhãn mác, không nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch thú y, dấu kiểm soát giết mổ; Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện 15.000 bao thuốc lá điếu 555 có dấu hiệu tội phạm...

Hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tràn lan. (Ảnh minh họa)

Bộ Công Thương nhận định, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn đang diễn biến phức tạp. Để xử lý các hành vi vi phạm, Bộ Công Thương thực hiện một loạt nhiệm vụ, biện pháp như tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.

Bên cạnh đó, rà soát, phân loại các website, ứng dụng thương mại điện tử nhất là đối với các nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện hoặc nhóm mặt hàng xuất hiện nhiều hàng giả, hàng nhái được kinh doanh qua mạng như: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, quần áo, túi xách, đồng hồ...

Tiếp tục xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là Bộ đội biên phòng, Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ngay từ tuyến biên giới đường biển và đường bộ; chú trọng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường nội địa, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...; Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của công chức thực thi; khen thưởng, động viên, nêu gương kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo, cơ quan chức năng và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.

Tăng cường hợp tác với các Hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong công tác chia sẻ, cung cấp thông tin và hỗ trợ kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nam Thanh