Cần mạnh tay ngăn chặn hành vi sử dụng động vật hoang dã

Thứ năm, 2/4/2020 | 16:58 GMT+7
Các chuyên gia cho rằng Chính phủ cần có các chế tài mạnh và nghiêm khắc hơn nữa đối với các hành vi săn bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh do COVID -19 đang xảy ra.

Bảo vệ động vật hoang dã là việc cấp thiết

Mua bán động vật hoang dã còn diễn biến phức tạp

Ông Nguyễn Quốc Hiệu - Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết, theo thống kê, từ năm 2018 đến ngày 31/5/2019, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các ngành chức  năng kiểm tra, phát hiện và xử lý 560 vụ vi phạm về động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; xử lý hình sự 41 vụ với 38 bị can, đã xét xử 27 vụ với 27 bị cáo, mức án cao nhất là 7 năm 6 tháng tù giam; xử lý hành chính 519 vụ.

Tuy nhiên, theo ông Hiệu, tình trạng săn bắt, buôn bán, sử dụng và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, đặc biệt là hoạt động rửa nguồn gốc, trà trộn động vật hoang dã từ tự nhiên với động vật hoang dã gây nuôi sinh sản hợp pháp để buôn bán. Chính điều này đã tạo nguy cơ lớn cho việc phát sinh dịch bệnh nguy hiểm đối với con người.

Từ nhiều năm nay, Chính phủ đã đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn, xử lý hành vi săn bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật. Đặc biệt khung hình phạt tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã  nguy cấp, quy hiếm có thể lên đến 15 năm tù và phạt tiền đến 15 tỷ đồng. Những thay đổi theo hướng tăng nặng mức hình phạt có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực bảo vệ các loài động vật hoang dã.

Tuy nhiên, theo Luật sư Đặng Đình Bách, Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách phát triển bền vững (LPSD), các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã hiện nay vẫn còn bộc lộ một số điểm hạn chế, còn rải rác trong nhiều văn bản luật chuyên ngành. Do vậy, để tiếp cận với các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, cần phải tiếp cận nhiều văn bản luật khác nhau như Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Quản lý ngoại thương…

Luật sư Đặng Đình Bách cho rằng, “Luật Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 đã tăng mức xử phạt dành cho tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, với định khung hình phạt tù lên đến 12 năm và định khung mức phạt tiền lên đến 6 tỷ đồng. Tuy vậy, mức xử phạt trên vẫn chưa tương xứng với lợi nhuận tài chính thực tế mà cá nhân hay pháp nhân thương mại thu về từ hoạt động mua bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã”.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển (Change)

Ngăn chặn động vật hoang dã, phòng ngừa dịch

Ngày 29/02/2020, phái đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung Quốc công bố báo cáo về dịch Covid-19, trong đó xác định virus bắt nguồn từ động vật hoang dã, trong đó dơi là nghi can số 1. Dịch SARS 2002-2003 được cho là lây sang người từ con cầy hương. WHO cho biết, 70% mầm bệnh toàn cầu được phát hiện trong 50 năm qua đều đến từ động vật.

BS. Nguyễn Trọng An, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) cho rằng, không nên đổ lỗi cho động vật hoang dã. Một mình những con vật này không gây ra sự truyền coronavirus cho người. Việc lây nhiễm COVID-19 (cũng như SARS) từ các loại động vật sang người là do có sự can thiệp của con người với động vật hoang dã. Do vậy cần có các biện pháp ngăn ngừa các can thiệp gây hại của con người để bảo vệ các loài động vật hoang dã.

“Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cần thiết phải có những can thiệp cấp bách, những chế tài nghiêm khắc để chấm dứt ngay việc săn bắn, buôn bán, giết mổ, ăn thịt các loại động vật hoang dã, nhằm cắt đứt nguồn lây truyền các Vi rút, vi trùng, ký sinh trùng nguy hiểm gây ảnh hưởng có hại đến sức khỏe con người”, BS Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, ngày 12/3, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan soạn thảo chỉ thị nghiêm cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển (Change) cho rằng: “Nếu không ngăn chặn được thói quen sử dụng động vật hoang dã, thì dù khung pháp lý có chặt chẽ đến đâu cũng rất khó thực hiện”.

Vừa qua, Change cùng Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC), RTCCD, LPSD phối hợp cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai hoạt động “Nghiên cứu, Truyền thông, Xây dựng bằng chứng đóng góp cho Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ngăn chặn dịch cúm Covid-19, tăng cường thực thi Công ước CITES về bảo vệ động vật hoang dã”.

Thư kiến nghị nêu ra ba vấn đề cần thực hiện trong Chỉ thị gồm: Thứ nhất, sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành trong công tác bảo vệ động vật hoang dã cũng như ngăn chặn, xử lý vi phạm các hành vi xâm hại đến động vật hoang dã cần được tăng cường. Thứ hai, căn cứ xây dựng chế tài xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến mua bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã cần được dựa trên đánh giá khách quan liên quan đến tác động đối với môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe con người. Thứ ba, chế tài xử phạt hành vi tiêu thụ động vật hoang dã cần được xây dựng và đảm bảo thực thi nghiêm ngặt.

Huyền Châu

PV